|
Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xe máy đến năm 2015, Việt Nam phải
trở thành trung tâm thiết kế, sản xuất và lắp ráp xe máy quy mô lớn, có tính
cạnh tranh trong khu vực, hội nhập đầy đủ vào thị trường quốc tế.
Với
hơn 80 triệu dân, xe máy vẫn là phương tiện giao thông phổ biến thì ngành công
nghiệp xe máy có tiềm năng rất lớn cho các nhà sản xuất, lắp ráp. Thế nhưng, làm
sao để các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp xe máy trong nước chiếm được
miếng bánh lớn, mang nhãn hiệu made in Việt Nam vẫn đang là bài toán mà Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra cho các doanh nghiệp, Bộ, ngành quản lý tại Quy
hoạch phát triển ngành công nghiệp xe máy giai đoạn 2006-2015, có tính đến năm
2020, đã được phê duyệt.
Mục
tiêu đặt ra liệu có quá sức?
Theo ông
Ngô Văn Trụ - Phó Vụ trưởng Vụ Cơ khí-Luyện kim và Hoá chất (Bộ Công Thương),
đến năm 2015, Việt Nam phải có được ngành công nghiệp xe máy phát triển và trở
thành trung tâm thiết kế, sản xuất và lắp ráp xe máy quy mô lớn, có tính cạnh
tranh trong khu vực, hội nhập đầy đủ vào thị trường quốc tế. Trong đó, phải đáp
ứng được 100% nhu cầu xe thông dụng ở khu vực nông thôn, 90% xe máy ở khu vực
thành thị; riêng tỷ lệ dòng xe tay ga sản xuất trong nước đạt 60%; chế tạo được
các loại xe máy phân khối lớn hơn 125cm3, xe tay ga cao cấp, xe thể
thao, xe máy 3-4 bánh cho người tàn tật, xe địa hình phục vụ du lịch, xe vận
chuyển nông sản… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Mục tiêu
đặt ra tưởng dễ thực hiện, nhưng nhìn lại xuất phát điểm trong lĩnh vực sản
xuất, lắp ráp xe máy trong nước lại đang là điều đáng lo ngại! Theo Bộ Kế
hoạch-Đầu tư, hiện tại, cả nước có hơn 60 DN hoạt động liên quan đến lĩnh vực
này, trong đó có khoảng 50 DN sản xuất, còn lại là các DN thương mại và lắp ráp.
Nhưng trong 50 DN sản xuất thì cũng chỉ có khoảng 10 DN được cho là có khả năng
cạnh tranh, công suất trung bình hàng năm cũng chỉ đạt từ 20.000-50.000xe/năm,
hiếm có DN sản xuất đạt trên 100.000xe/năm; số còn lại hoạt động rất cầm chừng,
nhiều đơn vị đã chuyển hẳn sang lĩnh vực chuyên lắp ráp hoặc kinh doanh thương
mại.
Anh
Nguyễn Văn Bằng, ở số 156 Chùa Bộc, hiện đang kinh doanh xe máy trên phố Khâm
Thiên (Hà Nội) cho biết: “Trên thị trường, xe máy có tỷ lệ nội địa hoá mang nhãn
hiệu Made in Việt Nam chỉ chiếm thị phần rất khiêm tốn và đang có xu hướng “co
cụm” về các vùng nông thôn. Mảng xe thời trang, cao cấp tại khu vực thành thị
dường như các DN sản xuất trong nước đã nhường hẳn cho các dòng xe nhập
khẩu…”.