Hương vị bánh phồng Sơn Đốc bay xa

28/12/2016 - 07:30

Cán bánh phồng bằng máy.

Trong không khí đón mừng năm mới, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm) cũng đang nhộn nhịp vào cao điểm mùa vụ làm bánh tết. Những chiếc bánh phồng trắng tròn, thơm ngon mùi nếp mới được tạo nên từ những bàn tay khéo léo, cần mẫn đã mang hương vị tết đi khắp gần xa.

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc đã có tiếng từ lâu đời, được nhiều người biết đến. Hiện nay, làng nghề đã thành lập được hợp tác xã (HTX) hoạt động theo Luật HTX năm 2012, được đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật, giúp cho nghề làm bánh của các xã viên ngày càng tăng năng suất, chất lượng.

Chiếc bánh đậm hồn quê

Ông Phạm Văn Hát - Chủ nhiệm HTX là người đã có hơn 20 năm trong nghề làm bánh phồng. Ông cho biết: Làng nghề có hơn 30 hộ theo nghề làm bánh truyền thống của gia đình. Hiện HTX có 10 xã viên, xã viên được quan tâm hỗ trợ đầu tư về máy móc, kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm. Trước kia, xã viên chỉ được cung ứng đầu vào, tức nguyên liệu (đường, nếp), riêng đầu ra chưa có do chưa có nhãn hiệu. Nay, HTX đã có được nhãn hiệu, từ đó dễ dàng hơn trong việc tìm đầu ra. Sản phẩm bánh phồng Sơn Đốc đã có mặt trên thị trường các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả một số tỉnh ngoài khu vực như Bình Thuận, Ninh Thuận…

Ngày trước, gia đình ông Hát chỉ làm bánh mùa vụ tết nhưng dần dần sau đó trở thành nghề chính của gia đình, làm bánh quanh năm và được đầu tư dụng cụ, máy móc cho công việc làm bánh. Trước đây, nhân công của ông phải cán bánh bằng tay, khoảng 6 năm trở lại đây, ông đã được hỗ trợ vay vốn để trang bị máy cán bánh (trị giá gần 100 triệu đồng), năng suất tăng lên nhiều lần. Nếu cán bánh bằng tay, 8 người làm trong 1 giờ đồng hồ được 300 cái, còn cán bánh bằng máy thì chỉ tốn 5 phút và chỉ cần 3 nhân công để gỡ bột dư ra khỏi khung.

Nếu ngày thường, cơ sở ông sản xuất hơn 3 ngàn bánh/ngày, vào những dịp tết (từ tháng 10 trở đi) thì làm hơn 10 ngàn bánh/ngày. Ông Hát cho biết thêm, ngoài ổn định và tăng thu nhập cho người làm nghề bánh, HTX còn là một điểm dừng chân tham quan của khách du lịch gần xa.

Sản xuất ngày càng tân tiến

Bà Lê Thị Thúy Hằng - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: HTX bánh phồng Sơn Đốc cũng mới vừa tổ chức hội nghị để chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012 trong năm nay. Mặc dù do một số yếu tố khách quan, hoạt động của hội đồng quản trị chưa được tập trung, hiệu quả chưa cao nhưng việc củng cố HTX đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho làng nghề như: được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể Bánh phồng Sơn Đốc và nhãn hiệu này vừa được cấp giấy chứng nhận, xã đang làm quy trình để phân bổ.

Trên cơ sở có nhãn hiệu thì bánh phồng Sơn Đốc sẽ tạo được uy tín trên thị trường. Thuận lợi nữa của HTX là rất được sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan Khuyến công huyện, xã viên của cơ quan HTX được hỗ trợ mua máy sấy, phòng than để giảm bớt khó khăn do thời tiết mưa và hỗ trợ máy ép chân không (hỗ trợ 30%, tương đương hơn 35 triệu đồng). Vừa qua, một số xã viên còn được trang bị máy quết bột và máy cán bánh. Ngoài ra, nhiều xã viên đã tự trang bị máy móc để tăng năng suất làm bánh. HTX đã giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động tại chỗ, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế của xã.

Đậm đà hương vị quê hương

 Hiện nay, chỉ riêng cơ sở của ông Hát có 8 nhân công làm việc từ lột mì, canh máy trộn bột, gấp bánh, lấy bột dư, gỡ bánh, phơi bánh… Hầu hết nhân công đều làm việc ổn định nhiều năm tại các cơ sở làm bánh, thu nhập bình quân hơn 100 ngàn/đồng/ngày và thời gian làm việc theo khâu (khoảng 1 buổi). Công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo, tỉ mỉ và tập trung vào từng khâu trong thực hiện quy trình làm bánh, vì nếu lơ đễnh thì bánh sẽ không ngon (pha bột), không đẹp (gỡ bánh)…

Theo ông Hát, để có một sản phẩm bánh ngon, phải qua rất nhiều khâu và khâu nào cũng không được xem nhẹ từ lúc lựa nguyên liệu cho đến lúc thành phẩm đóng gói, tuy nhiên, phải đặc biệt chú ý ở khâu pha bột đúng, đủ thành phần, gia vị. Đối với nguồn nguyên liệu nếp, mì, người làm bánh phải mua từ An Giang, Long An vì ở đây nếp và mì thuộc loại ngon mà nguồn cung ứng địa phương còn thiếu. Ngoài 2 nguồn nguyên liệu chính là nếp, mì phải đi lấy từ tỉnh ngoài, thì các nguyên liệu còn lại (dừa, đường, hương vị trái cây) được mua tại Bến Tre. Bánh phồng Sơn Đốc hiện nay có nhiều loại như: bánh nếp, bánh hành, bánh mè, bánh sữa hột gà, bánh đậu xanh, bánh mít; bánh mặn thì có bánh tôm khô. Đồng thời có nhiều kích cỡ tùy theo yêu cầu của khách hàng, do đó giá tiền cũng khác nhau. Loại bánh lớn và ngon nhất có giá dao động từ 20 - 30 ngàn đồng/chục bánh.

Có thể nói, những chiếc bánh phồng của làng nghề bánh phồng Sơn Đốc vẫn luôn giữ được chỗ đứng trên thị trường vì những người làm bánh ở làng nghề đã bỏ nhiều công sức để tiếp tục giữ được hương vị thơm ngon truyền thống của làng nghề. Và với sự quan tâm, đầu tư, làng nghề sẽ ngày càng vươn xa hơn. Chiếc bánh phồng Sơn Đốc cũng đã góp vào hương vị đậm đà cho ngày tết, làm món quà quê hương biếu tặng cho nhau mang nhiều tình cảm.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN