 |
Nhà văn Thảo Nguyên. |
Nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên (tên thật là Nguyễn Văn Sang) quê ở xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc. Ngoài công việc chính là giảng viên bộ môn Sinh học của Trường Cao đẳng Bến Tre, ông còn dành thời gian để sáng tác văn xuôi với một niềm đam mê bền bỉ theo năm tháng. Với tính cách gần gũi, cởi mở, nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên đã dành cho phóng viên Báo Đồng Khởi cuộc gặp gỡ, trò chuyện để chia sẻ những tình cảm, suy nghĩ trong sự nghiệp cầm bút của ông.
* Tác
phẩm “Trăng máu” đã nhận được sự đánh giá cao của Hội đồng giám khảo và giành vị
trí quán quân trong cuộc thi truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ
V - năm 2015. Ông có thể chia sẻ đôi điều về quá trình “thai nghén” và nội dung
chính của tác phẩm này?
- Tôi đã nhìn thấy một chiếc kén sâu treo dưới
mái lợp hình lục giác khi ngồi ở một quán cà phê vào buổi sáng mùng Mười Tết Ất
Mùi (2015). Với tính nhạy cảm của thầy giáo dạy Sinh học có tham gia viết văn
nên trước một hiện tượng tự nhiên quen thuộc, tôi đã liên tưởng giữa sự khổ luyện
chứa đầy nguy hiểm của hành trình đi tìm sự sống của các loài sâu bướm với việc
đã có những người bước vào cuộc sống quá dễ dãi. Suy nghĩ về điều đó và bắt đầu
viết, tác phẩm “Trăng máu” ra đời đúng một tháng sau (ngày 30-4-2015) và tôi đã
gửi tham dự cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL lần thứ V - năm 2015 do Hội Văn học Nghệ
thuật (VHNT) An Giang đăng cai tổ chức cùng với 171 tác phẩm khác của các tác
giả thuộc 11/13 tỉnh, thành trong khu vực.
Nội dung tác phẩm “Trăng máu” đề cập về mối
quan hệ nhân - quả. Một người bước vào xã hội rất dễ dàng từ sự lo toan của người
cha có địa vị và các mối quan hệ thuận lợi, lại thiếu sự rèn luyện căn bản cần
thiết và nhất là thiếu xử sự tình người trong cuộc sống, dần tham gia ngày càng
nhiều vào các cuộc “loại trừ” để giành lấy danh vị cùng quyền lực với những người
khác trong các mối chung đụng hằng ngày. Cũng có những lúc anh ta thành công,
nhưng thật tai hại, vì chính những “thành công” đó vô tình trở thành chất men
kích thích anh ta càng lao vào vòng xoáy tranh chấp. Hậu quả là kết thúc bi thảm
đến với anh ta và cả gia đình. Chúng ta có thể thấy, điều vừa nêu trong tác phẩm
không hiếm trong cuộc sống và đó có thể xem là bài học cho những ai muốn đi lên
trong xã hội bằng con đường ngắn nhất, thiếu sự khổ luyện cần thiết.
* Văn
phong mộc mạc, dễ hiểu nhưng lại rất sâu sắc về ý nghĩa và đọng lại nhiều suy
ngẫm sau khi gấp sách lại. Để có được khả năng viết ra các tác phẩm như vậy, hẳn
ông đã có quá trình rèn luyện khá dài và gom góp rất nhiều chất liệu từ cuộc sống?
- Tôi luôn quan niệm trong quá trình viết của
mình rằng, cố gắng đánh giá sự vật, hiện tượng đúng với thực chất tồn tại của
nó; đồng thời, có cái nhìn nhân văn trong mối tương tác giữa các sự vật, nhất
là quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc sống. Tôi đã có một tuổi thơ cơ cực,
xuất thân trong một gia đình lao động, phải phụ ba mẹ bươn chải kiếm sống ngay
từ khi cuối cấp tiểu học (lúc còn trong chiến tranh). Việc ấy đã tạo cho tôi sớm
có cái nhìn ấn tượng riêng về cuộc sống, sự trân quý về những con người cần cù
lao động, những con người sống có tình, có nghĩa… Tôi cũng đã có thêm những trải
nghiệm về cuộc sống từ khi trở thành một thầy giáo. Chất liệu sáng tác của tôi
đã được góp nhặt từ quá trình trải nghiệm và tích lũy ấy.
Về kế hoạch sắp tới, tôi vẫn tiếp tục tìm ý tưởng để viết khi có thể. Nếu thuận lợi, tôi sẽ cố gắng đến năm 2018 hoàn thành tập ký Gió qua miền sông chảy. (Nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên) |
Với Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, tôi đã nhận
được sự hỗ trợ rất nhiều. Đó là những quan tâm, chia sẻ, hướng dẫn của những
đàn anh đi trước cùng các hội viên đối với tôi trong những ngày tôi tập tễnh với
công việc viết lách vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX và đến tận bây giờ. Có
khoảng thời gian gần 10 năm vì cuộc sống gia đình, tôi phải xa rời ngòi bút rồi
trở lại, vì đã trót đam mê viết văn thì không thể bỏ được, trong sự đón nhận với
tình cảm nồng nàn của anh chị em trong Hội. Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu đã tài
trợ in 3 đầu sách cho tôi gồm 2 tập truyện ngắn và 1 tiểu thuyết. Hơn thế, như
trong một bài viết in trên Tạp chí văn nghệ Hàm Luông nhân kỷ niệm 20 năm ngày
phát hành tạp chí, trong tình cảm chân thực, tôi đã viết: “… Đến nay, tôi xem Hội
VHNT Nguyễn Đình Chiểu như một khu vườn nhỏ. Trong đó, mỗi hội viên đã tự vun bồi
và chăm bón những luống hoa của mình ngày càng đẹp, hài hòa với những luống hoa
từ các hội viên khác. Tôi đã có dịp may mắn đi ngang rồi thích thú ghé lại học
hỏi cách vun trồng, để đến nay cũng đặt được đôi cây hoa của mình vào đấy…”.
* Theo
nhận định riêng của ông, tình hình sáng tác của đội ngũ sáng tác thơ văn nói
chung của tỉnh nhà thế nào so với các tỉnh bạn trong khu vực?
- Chắc rằng không thể có một cái nhìn toàn diện
về lực lượng viết hiện nay trong lĩnh vực văn học của tỉnh, song với nhận thức
khái quát, theo tôi, từ lâu, lực lượng này được giới cầm bút trong khu vực
ĐBSCL đánh giá cao, thậm chí được xem là có “số má”. Một số điểm mạnh đã được
ghi nhận đánh giá từ trước đây về các cây bút Bến Tre có thể kể đến như: đội
ngũ đông và đều tay, các cây bút nữ chiếm tỷ lệ đáng kể… Đã có những nhà văn,
nhà thơ có chỗ đứng khá vững trong khu vực, thậm chí là trong cả nước như Hàn
Vĩnh Nguyên, Vũ Hồng, Tô Nhược Châu, Nguyên Tùng, Phạm Thị Ngọc Điệp, Kim Ba, Hồ
Trường, Phong Tâm, Dương Sinh, Phan Lữ Hoàng Hà, Nguyễn Võ Khang Hạ, Đình Thu,
Diễm Thuyên, Khổng Huỳnh Phong… Nhiều tác giả có tác phẩm vượt trội. Gần như
năm nào cũng có tác giả đạt giải thưởng văn học cấp khu vực, Trung ương, trong
tỉnh và các tỉnh bạn.
Hiện nay, theo tôi và cũng theo nhiều người,
đã và đang có sự hụt hẫng đội ngũ kế thừa. Khiếm khuyết này ngày càng lớn hơn,
đặt ra mối lo ngại về sự giảm sút số lượng và nhất là chất lượng ở lĩnh vực
sáng tác văn học của tỉnh ta trong thời gian tới. Trong khi chỉ nhìn sang các tỉnh
bạn, nhất là các tỉnh từ lâu vốn được xếp cùng nhóm tỉnh mạnh với Bến Tre như
An Giang, Cà Mau… thì giờ đây họ đã có những bước đi rất dài trong việc xây dựng
đội ngũ kế thừa. Lực lượng trẻ đó của họ đang ngày càng có vai trò rõ nét hơn
trong hoạt động VHNT của tỉnh. Điều này không chỉ tạo mối lo cho chúng tôi - đội
ngũ trực tiếp sáng tác - mà trước yêu cầu đổi mới và đi lên, cũng đặt ra cho những
người làm công tác quản lý hoạt động VHNT của tỉnh trách nhiệm không nhỏ, đòi hỏi
nhiều biện pháp đồng bộ về công tác tổ chức của Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu cùng
nỗ lực của các hội viên...
* Xin cảm
ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
Một số tác phẩm của ông đã được
xuất bản như: Chim vịt kêu chiều (Tập truyện ngắn - NXB Hội Nhà văn 2011),
Bóng nắng sân trường (Tiểu thuyết - NXB Hội Nhà văn 2014), Tháng Bảy mưa ngâu
(Tập truyện ngắn - NXB Hội Nhà văn 2015). Ông cũng đã từng được tặng thưởng
và đạt giải văn xuôi như: giải C do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT
Việt Nam trao tặng năm 2012 với tập truyện ngắn Chim vịt kêu chiều và giải Nhất
cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL năm 2015.
|