|
Hàng ngàn lao động có việc làm tại Khu công nghiệp Giao Long. Ảnh: T.Long |
Khu công nghiệp Giao Long, cảng và đường ra cảng Giao Long, đường tỉnh 883, đường nối từ cảng Giao Long đến đường Nguyễn Thị Định (TP. Bến Tre) là những công trình lớn của tỉnh được đầu tư ngay trên đất Giao Long (Châu Thành).
Hàng trăm héc-ta đất và hộ dân phải thực hiện giải tỏa, di dời. 8 năm, thời gian tính từ khi giải tỏa những thửa đất đầu tiên cho Khu công nghiệp Giao Long (giai đoạn I), Giao Long bây giờ đã hoàn toàn thay đổi. Dáng vẻ công nghiệp đang thành hình trên vùng đất này.
Vì lợi ích cộng đồng
Giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề được thận trọng và cân nhắc. Nhưng, không phải vì vậy mà những người có đất nằm trong vùng quy hoạch không “nhẹ lòng” khi biết rõ công trình, dự án ấy vì sự phát triển của quê mình, của tỉnh mình. Vẫn có những trở lực do nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan như sự chênh lệch giữa giá bồi thường và giá thị trường, phải thực hiện giải tỏa trong điều kiện chưa có nơi tái định cư, sự am hiểu của người dân về vị trí thửa đất dẫn đến sự khác nhau về mức giá… Song, như lời ông Huỳnh Xuân Vũ - Chủ tịch UBND xã Giao Long, trong ngần ấy năm, hàng trăm hộ dân phải thực hiện giải tỏa, trong đó nhiều hộ giải tỏa trắng nhưng Giao Long chưa có bất kỳ hộ nào phải dùng đến biện pháp cưỡng chế là một minh chứng cho sự đồng tâm hiệp lực của người dân nơi này. Dẫu giải tỏa nhà cửa, đất đai là gắn liền với việc bồi thường nhưng đó là sự hy sinh của mỗi người, mỗi gia đình vì sự phát triển chung của cộng đồng.
Và Giao Long hôm nay
Giao Long bây giờ có những con đường rộng thênh thang, có những nhà máy, công ty với hàng ngàn công nhân, những nhà trọ, hàng quán tấp nập. Chị Khuê - hộ giải tỏa trắng của dự án khu công nghiệp, cho biết sau giải tỏa, chị dời về địa điểm cách khu công nghiệp khoảng một cây số. Mối lái mặt hàng nước ngọt, bia không thay đổi nhưng khách vãng lai có giảm vì đường tỉnh 883 đang thi công. Dù có hơi tiếc vị trí kinh doanh trước đây (gần ngã ba đường) nhưng bây giờ cuộc sống gia đình chị đã ổn định sau khi giải tỏa.
Chị Tư Lan bán quán ăn sáng và ăn trưa cũng trên đường tỉnh này, chỉ về phía bên kia lộ nói nhà chị ở phía đó, nhưng do đường này đang được mở rộng nên chị qua bên này đường để thuê chỗ kinh doanh. Dù phải tạm thuê nhưng so với những năm chưa có khu công nghiệp, chị bán nhiều hơn gấp chục lần. “Hồi đó, đoạn đường này có mình nhà tui bán, còn bây giờ dù hàng quán san sát nhau nhưng vẫn bán được” - chị vui vẻ tiết lộ.
Không phải chỉ chị Lan, chị Khuê mà bây giờ ở Giao Long có đến 207 hộ kinh doanh và nhiều hộ mở rộng quy mô buôn bán so với trước đây. Song với Giao Long, đột phá trong phát triển kinh tế những năm gần đây là giải quyết việc làm cho lao động. Cho đến bây giờ, Giao Long vẫn là xã nông nghiệp, với 375ha đất nông nghiệp trong tổng số 533ha đất tự nhiên của xã. Nhưng “công nghiệp” đã đến từng nông hộ. Xã có 2.788 người trong độ tuổi lao động thì có đến 2.165 người có việc làm ổn định (77,65%) và chủ yếu là làm tại địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Trí - Trưởng ấp Long Hòa cho biết, tuổi trẻ thì làm công nhân, còn người có tuổi thì làm tạp vụ, bảo vệ, giữ xe. Khi có công việc ổn định, tình trạng nhậu nhẹt, đàn đúm cũng giảm đáng kể.
Đường sá thuận lợi, có việc làm, thu nhập ổn định nên đời sống của người dân Giao Long thay đổi rất nhanh. Theo thống kê của UBND xã, thu nhập bình quân đầu người năm 2007 ở Giao Long là 7,1 triệu đồng, đến năm 2011 là 22,5 triệu đồng/người/năm. Theo ông Huỳnh Xuân Vũ, mỗi gia đình có từ 1 đến 2 công nhân (thu nhập khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng) thì dù cây trái có “tuột” giá, người dân cũng sống được.
Năm 2005, Giao Long được công nhận đạt chuẩn xã văn hóa và đây là bước đệm để xã phấn đấu hoàn chỉnh các tiêu chí của một xã nông thôn mới. Định hướng của Giao Long là đến năm 2015 sẽ đạt chuẩn của một thị tứ, nên mọi hoạt động của xã bây giờ đều được tính toán cẩn trọng. Nét công nghiệp ở xã nông thôn này còn ở lĩnh vực văn hóa - xã hội là đã có một ngôi trường mẫu giáo bán trú khang trang hoàn thành hơn năm nay. Đây là điều kiện tốt để công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được bài bản hơn.
Dẫu biết rằng, giải tỏa, bàn giao mặt bằng, di dời nhà cửa, hoa màu... để “nhường” chỗ. cho xây dựng hạ tầng cơ sở là điều không dễ. Nhưng với lợi ích, hiệu quả từ thực tế mang lại, người dân Giao Long đang bắt nhịp để bước nhanh trên con đường công nghiệp hóa.