Interpol truy nã 5 công dân Iran

08/11/2007 - 10:27
Hiện trường vụ đánh bom trung tâm Do Thái ở Buenos Aires năm 1994. Ảnh AFP

Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) vừa đưa 5 người Iran vào danh sách truy nã khẩn cấp, bao gồm cựu Giám đốc Lực lượng Tình báo Iran, cựu Chỉ huy Lực lượng Cận vệ cách mạng và ba công dân khác của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Những người này, cùng với một tay súng Hezbollah, bị truy nã vì vụ đánh bom năm 1994 nhằm vào một trung tâm Do Thái ở Argentina làm 85 người thiệt mạng.

Interpol đã thông báo quyết định trên sau khi các đại biểu tại cuộc họp chung của tổ chức này ở Marrakesh (Morocco)
đứng về phía các công tố viên Argentina và quay lưng lại với nỗ lực vận động hành lang của các phái viên Iran nhằm tránh cho nước họ dính dáng đến vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất ở Argentina.

Tại thời điểm này, cẳng thẳng giữa Iran về chương trình hạt nhân của nước này cũng
đang tăng cao. Bên cạnh đó, Mỹ còn nói rằng Iran cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở Iraq và Afghanistan song cáo buộc này bị phía Tehran phủ nhận.

Trong khi các phái viên Iran cáo buộc Israel và Mỹ đang cố tình lợi dụng Interpol để phá hoại hình ảnh của nước Cộng hòa Hồi giáo, hầu hết các đại biểu tham dự cuộc họp đều nhất trí rằng sự việc này hoàn toàn là vấn đề của cảnh sát. Cuộc bỏ phiếu đưa 5 người Iran vào danh sách truy nã cho kết quả 75-14, với 26 đại biểu không bỏ phiếu.

Đến thời điểm này, chưa có thủ phạm nào trong vụ đánh bom trung tâm Do Thái ở Buenos Aires, thủ đô Argentina, bị đưa ra trước vành móng ngựa. Một chiếc xe tải mang bom đã nổ tung ngày 18/7/1994, san phẳng một tòa nhà 7 tầng, giết chết 85 người và làm bị thương 200 người khác.

Đây là vụ đánh bom thứ hai nhằm vào người Do Thái ở Argentina trong những năm 1990. Năm 1992, Đại sứ quán Israel ở Buenos Aires bị phá hủy và 29 người thiệt mạng trong một vụ tấn công được cho là do Hezbollah thực hiện.

Được hỏi sau cuộc bỏ phiếu rằng liệu Tehran có giao nộp các nghi phạm, đại diện Iran Alireza Deihin trả lời: "Tất nhiên là Không".

"Đó là những lời cáo buộc vô căn cứ, bịa đặt và mang tính chính trị. Công lý đã bị hạ bệ bởi những lý do chính trị", ông Alireza nói.

Theo VietNamNet

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN