Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Hải Hương.
Sau 3 năm triển khai, kết quả nổi bật của Chương trình Phát triển xuất khẩu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 là giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng khá, ước đạt 2,519 tỷ USD, tăng bình quân 13,82%/năm và đạt 44,52% so với mục tiêu của chương trình.
Qua phân tích kết quả thực hiện cho thấy, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,844 tỷ USD, chiếm trên 73% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Cơ cấu hàng xuất khẩu đã chuyển dịch theo hướng tích cực, đạt 2,256 tỷ USD, tốc độ phát triển 14%/năm. Trong khi tỷ trọng hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng nhanh do sự đóng góp của một số sản phẩm dệt may, da giày, túi xách và các sản phẩm từ dừa phù hợp với định hướng phát triển thì ngược lại, các nhóm hàng thủy sản, nông sản tăng trưởng chậm và chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong nhóm hàng thủy sản, mặt hàng tôm có giá trị xuất khẩu tăng cao, tuy nhiên, số lượng xuất khẩu đạt rất ít, khoảng 25 tấn so với chỉ tiêu là 2.500 tấn. Các mặt hàng nghêu, cá tra thì không đạt so với mục tiêu của chương trình vì thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Các nông sản chủ lực của tỉnh như bưởi da xanh, sầu riêng hiện chỉ xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, các mặt hàng khác như chôm chôm, nhãn, bắp, ớt… có xuất khẩu nhưng kim ngạch còn thấp vì chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng hàng hóa và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Qua đó cho thấy, mặt hàng xuất khẩu có sự đa dạng về chủng loại và theo hướng gia tăng các mặt hàng chế biến, giảm xuất khẩu các mặt hàng thô, đặc biệt là nhóm sản phẩm dừa với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm sữa dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, cơm dừa nạo sấy, phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường.
Tỉnh đã hỗ trợ 35 doanh nghiệp thực hiện 35 dự án từ kinh phí khuyến công và 1 dự án hỗ trợ nâng cấp hệ thống xử lý nước thải với tổng kinh phí gần 4,167 tỷ đồng, góp phần nâng cao công suất chế biến thủy sản, chế biến dừa và hàng dệt may phục vụ cho xuất khẩu.
Theo Sở Công Thương, một số khó khăn hiện nay là các nước nhập khẩu ngày càng áp dụng nhiều rào cản thương mại, các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa… còn hạn chế, chưa được thực hiện nhịp nhàng. Tình trạng thiếu lao động tại một số doanh nghiệp như Công ty UNISOLL Vina, Yong Qing, Hưng Trường Phát, Pungkook… cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông, kêu gọi thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án về lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn để đẩy mạnh xuất khẩu vẫn còn hạn chế và khó khăn.
Tin, ảnh: C. Trúc