Kết quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tại cơ quan hành chính nhà nước tỉnh

15/10/2015 - 17:37

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Bến Tre. Ảnh: Thanh Long

Hiện nay, việc nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính công là mong muốn và quyết tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh. Qua nhiều năm triển khai thực hiện Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) tại các cơ quan hành chính nhà nước từ phiên bản TCVN ISO 9001:2000 đến TCVN ISO 9001:2008, đã có 55 đơn vị xây dựng, áp dụng và đạt được giấy chứng nhận HTQLCL.

Ngày 5-3-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19 về việc áp dụng HTQLCL vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Trong đó, quy định các cơ quan áp dụng HTQLCL không thuê các tổ chức chứng nhận độc lập đánh giá (chứng nhận, giám sát, điều chỉnh, mở rộng, thu hẹp phạm vi áp dụng, chứng nhận lại) và thay thế việc cấp giấy chứng nhận bằng công bố HTQLCL phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008.

Vì vậy, để tiếp tục thực hiện và ngày càng hoàn thiện hơn việc xây dựng, áp dụng, duy trì và công bố HTQLCL tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2841, ngày 20-6-2014 để triển khai thực hiện quyết định của Chính phủ. Trong đó, có 43 cơ quan thuộc diện bắt buộc áp dụng HTQLCL là các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện; các cơ quan còn lại thuộc diện khuyến khích áp dụng là UBND cấp xã, đơn vị sự nghiệp công lập.

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, đã tổ chức 7 lớp tập huấn về nhận thức và đánh giá nội bộ HTQLCL cho hơn 420 cán bộ công chức các sở, ban, ngành, UBND các cấp. Có 36/43 cơ quan thuộc diện bắt buộc áp dụng HTQLCL đã thực hiện công bố HTQLCL, trong đó có 29 cơ quan đã xây dựng, áp dụng và công bố HTQLCL cho toàn bộ thủ tục hành chính (TTHC); 7 cơ quan đã xây dựng, áp dụng và công bố HTQLCL nhưng công bố chưa đầy đủ cho toàn bộ TTHC; các cơ quan còn lại đang xây dựng HTQLCL. Có 15 cơ quan thuộc diện khuyến khích áp dụng đã xây dựng và áp dụng HTQLCL chưa mở rộng HTQLCL cho toàn bộ TTHC, một số vẫn thực hiện các hoạt động duy trì, cải tiến.

Việc triển khai áp dụng HTQLCL giúp các cơ quan chuẩn hóa các quy trình xử lý công việc một cách khoa học, phân công trách nhiệm rõ ràng, giảm thiểu sai sót trong việc giải quyết công việc; hồ sơ tài liệu được sắp xếp ngăn nắp và có hệ thống theo từng lĩnh vực công việc, góp phần tích cực vào việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại mỗi cơ quan, nâng cao sự hài lòng cho người dân trong giải quyết TTHC. Một số các cơ quan đã kết hợp giữa việc áp dụng HTQLCL với ứng dụng công nghệ thông tin nên việc cập nhật thông tin nhanh, theo dõi được quá trình giải quyết công việc nội bộ, kiểm soát được hệ thống tài liệu, văn bản tại cơ quan ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh những hiệu quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế: HTQLCL là một công cụ quản lý mới, nhiều thuật ngữ trong tiêu chuẩn khá trừu tượng, khó hiểu. Đa số cán bộ phụ trách lĩnh vực ISO hành chính công tại các cơ quan kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. Văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi, không đồng bộ nên tốn thời gian rà soát, sửa đổi và bổ sung vào hệ thống tài liệu.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, lãnh đạo các cấp, các ngành cùng với đội ngũ cán bộ công chức cùng ra sức thực hiện có hiệu quả HTQLCL tại đơn vị mình để giải quyết tốt các TTHC, cùng chung tay cải cách hành chính tại địa phương, góp phần xây dựng nền hành chính vững mạnh, trong sạch.

Tuyết Mai

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN