Kết quả bước đầu thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên tôm, cá

06/12/2012 - 16:27
Thu hoạch cá da trơn ở Tân Phú (Châu Thành).

Bến Tre là một trong 3 tỉnh của cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chọn làm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên tôm, cá tra nuôi. Sau hơn 1 năm triển khai, bước đầu đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề bất cập và phát sinh làm ảnh hưởng đến chủ trương chung, cần kịp thời khắc phục.

Theo Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của Trung ương, Bến Tre đăng ký tham gia bảo hiểm nông nghiệp tại 18 xã gồm: Vĩnh Bình, Tân Thiềng, Long Thới, Phú Túc, Tiên Long, Tân Phú, Sơn Phú, Thạnh Phú Đông, Phước Long… trên cá da trơn. Các xã Định Trung, Đại Hòa Lộc, Bình Thới, Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải, Tân Xuân, An Đức, An Hòa Tây thực hiện bảo hiểm với tôm sú thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến và tôm chân trắng thâm canh. Sau đó, do nhu cầu của người nuôi muốn tham gia nên Ban chỉ đạo tỉnh đề xuất đăng ký bổ sung thêm một số địa phương khác tại 9 xã mới: Thạnh Phước, Bình Thắng, Thạnh Trị, Bảo Thạnh, Vĩnh An, Bảo Thuận, An Thủy, An Nhơn, An Điền. Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản phối hợp với Công ty Bảo Minh Bến Tre, địa phương tổ chức tuyên truyền chủ trương này đến người nuôi. Nhiều hoạt động như hội nghị, hội thảo tại 6 huyện thí điểm với khoảng 1.000 người dự. Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm chấn chỉnh công tác tuyên truyền, hội họp, nhất là hiệu quả công tác triển khai. Công ty Bảo Minh Bến Tre cũng đã tổ chức đào tạo đại lý bảo hiểm làm kênh phân phối bảo hiểm nông nghiệp, với trên 100 người được đào tạo. Đặc biệt, các đối tượng đào tạo là Ban quản lý vùng nuôi, các cơ sở, doanh nghiệp chuyên kinh doanh thức ăn, con giống thủy sản. Kết quả, đối với con tôm, tính đến giữa tháng 11-2012, toàn tỉnh có 1.264 hợp đồng tham gia bảo hiểm trên tổng số 5.543 hộ, tổ chức nuôi. Diện tích tham gia bảo hiểm là 503ha, giá trị bảo hiểm là 295 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm 22 tỷ đồng. Đối với bảo hiểm cá tra, đã có 1 hợp đồng tham gia với tổng giá trị bảo hiểm là 7,92 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm 302 triệu đồng. Việc bồi thường bảo hiểm nông nghiệp được quan tâm, tính đến ngày 29-11 tổng số vụ giải quyết bồi thường là 403 vụ với số tiền 15,26 tỷ đồng. Trong đó, Thạnh Phú 15 vụ với số tiền 1,542 tỷ đồng; Ba Tri 100 vụ với số tiền 4,162 tỷ đồng, Bình Đại 288 vụ với số tiền là 9,56 tỷ đồng. Ngoài ra, Bảo Minh Bến Tre cũng đã mạnh dạn chế tài đối với 37 trường hợp khi giải quyết bồi thường. Tỷ lệ chế tài dao động từ 5-20% tổng giá trị bồi thường do người nuôi được bồi thường cố tình che giấu ngày tôm bị chết để kéo dài thời gian nuôi hoặc nuôi không tuân thủ theo đúng qui trình áp dụng thực hiện thí điểm bảo hiểm.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, ngoài các điều kiện thuận lợi đã nêu, trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn cần tích cực khắc phục. Tuy Ban chỉ đạo quyết liệt phối hợp với các sở, ngành, địa phương, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh tuyên truyền, vận động nhưng người nuôi vẫn chưa thấy được ích lợi của việc mua bảo hiểm nên chưa mạnh dạn tham gia. Thành phần tham gia hội nghị, hội thảo, tập huấn phần lớn không phải là chủ doanh nghiệp, chủ hộ nuôi nên người nuôi chưa mạnh dạn quyết định tham gia mua bảo hiểm. Riêng đối với bảo hiểm cá tra, Bảo Minh Bến Tre chỉ ký được duy nhất 1 hợp đồng trong khi diện tích nuôi trong tỉnh khá lớn, khoảng trên 850ha. Lý do đối tượng nuôi cá tra trong tỉnh hiện tại hầu hết là doanh nghiệp nên mức hỗ trợ của Nhà nước chỉ 20% phí bảo hiểm, còn lại doanh nghiệp phải tự đóng tới 80%. Đây là số tiền khá lớn làm ảnh hưởng đến chi phí đầu vào trong khi giá cá tra thương phẩm ngày càng sụt giảm. Mặt khác, điều kiện để được bồi thường thiệt hại khi cá phải chết từ 30% trở lên trong khi thực tế cá tra không bị chết hàng loạt như tôm nên không thể hấp dẫn doanh nghiệp nuôi khi tham gia. Đối với tôm sú, tôm chân trắng, thời gian đầu mới thí điểm nhiều điều bất hợp lý đặt ra làm người nuôi chưa yên tâm như việc qui định phải “có công bố hoặc xác nhận loại thiên tai, dịch bệnh xảy ra tại địa bàn - của chủ tịch UBND tỉnh” thì mới bồi thường nên người nuôi còn e ngại. Đồng thời, cũng có một số bệnh mới phát sinh trên diện rộng như hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm sú, tôm chân trắng; hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô ở tôm sú, tôm chân trắng; hoại tử cơ hay còn gọi là đục cơ do vi-rút ở tôm chân trắng… nhưng không có nằm trong danh mục các bệnh được bảo hiểm bồi thường. Để công tác bảo hiểm đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Ban chỉ đạo tập trung một số giải pháp như: tiếp tục tuyên truyền, vận động, phấn đấu vụ nuôi 2013 người nuôi ký hợp đồng đạt 80% diện tích nuôi với tổng giá trị bảo hiểm 1.388 tỷ đồng, phí bảo hiểm 102 tỷ đồng. Đặc biệt, Tổ thẩm định và bồi thường tích cực phối hợp với Công ty Bảo Minh tổ chức thẩm tra, đánh giá dịch bệnh chặt chẽ hơn nhằm tránh trường hợp người nuôi tham gia bảo hiểm trục lợi, cố tình kéo dài thời gian thiệt hại, nhất là từ chính sách hỗ trợ đối với các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Các xã tiến hành thống kê hộ nghèo, cận nghèo, hộ không thuộc diện nghèo trên từng địa bàn để hướng dẫn người nuôi tham gia ký kết hợp đồng bảo hiểm. Công ty Bảo Minh cần tiếp tục lựa chọn, tuyển dụng đại lý bảo hiểm nông nghiệp có khả năng tiếp cận người nuôi để triển khai có hiệu quả hơn; chú trọng giải quyết bồi thường cho người nuôi nhanh chóng, hiệu quả, tránh tình trạng thủ tục rườm rà, gây mất thời gian cho người nuôi.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích