|
Một góc làng quê Bến Tre. Ảnh: CTV |
Bến Tre là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích tự nhiên là 235.766ha, trong đó: đất nông nghiệp 179.436ha, chiếm tỷ lệ 76%; tổng dân số có 1.257.782 người, nông thôn có 1.131.669 người, chiếm 90%.
Khu vực nông thôn có 147 xã, trong đó có 124 xã đi lên xây dựng nông thôn mới (NTM). Là một tỉnh có phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư khá tốt, đây là tiền đề rất quan trọng để Bến Tre đi lên xây dựng NTM.
Sau 26 năm đổi mới, nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà đã có những thay đổi lớn, đời sống cư dân nông thôn đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của các nước phát triển trong khu vực thì nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta vẫn bộc lộ nhiều yếu kém như: Nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, tự phát; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu; mức sống vật chất, văn hóa, y tế, giáo dục của cư dân ở nông thôn tuy được cải thiện nhưng còn ở mức thấp và đặc biệt ngày càng cách xa so với đô thị; cảnh quan sinh thái nông thôn ngày càng biến dạng, ô nhiễm môi trường nhanh và ngày càng nghiêm trọng ... Các mặt yếu kém trên đã làm cản trở quá trình thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đe dọa đến sự phát triển bền vững xã hội nông thôn. Vì vậy, Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và cụ thể hóa là Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Bến Tre đề ra nhiệm vụ xây dựng NTM để khắc phục những yếu kém trên.
Qua hai năm thực hiện đã nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong việc xây dựng NTM, vai trò chủ thể của người dân được khơi dậy và phát huy theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Các cấp từ tỉnh đến huyện, xã đều đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM và đời sống văn hóa, các Ban Chỉ đạo đều có tổ giúp việc và thành lập văn phòng điều phối chương trình cấp tỉnh. Riêng cấp xã thành lập thêm Ban quản lý và cấp ấp thành Ban phát triển. Tỉnh đã tập trung lãnh đạo công tác lập quy hoạch, triển khai thực hiện và quản lý quy hoạch xây dựng NTM một cách đồng bộ, hiệu quả, đến nay đã quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch theo Thông tư số 13, được 124/124 xã, đạt 100%. Các xã đang tiếp tục hoàn thành công tác qui hoạch gồm 3 nội dung: qui hoạch sử dụng đất, qui hoạch sản xuất và qui hoạch xây dựng để hoàn thành công tác qui hoạch theo Thông tư số 13 trong quí IV năm 2012. Công tác xây dựng và phê duyệt Đề án xã NTM: 124 xã đã hoàn thành và phê duyệt xong trong đầu tháng 7-2012: đạt 100%.
Hiện tại, toàn tỉnh có 32 tổ hợp tác được thành lập mới theo Nghị định 151 thuộc 21 xã, trong có 6 xã điểm đã thành lập tổ hợp tác theo yêu cầu Tiêu chí số 13 về xây dựng NTM. Các địa phương đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chủ yếu tập trung cho 25 xã đạt chuẩn vào năm 2015. Phối hợp với các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp để đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, thành lập các tổ hợp tác liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, việc thực hiện Tiêu chí 10 (thu nhập) phải thực hiện trong thời gian dài vì nguồn thu nhập của người dân chủ yếu từ dừa mà giá dừa hiện tại quá thấp không đáp ứng được cuộc sống người dân.
Các địa phương đã và đang tiếp tục thực hiện công tác cải tạo, nâng cấp, phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống văn hoá - xã hội trên địa bàn xã; chỉnh trang bộ mặt nông thôn, đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững, như: Hệ thống đường giao thông từ liên hộ gia đình đến liên xóm ấp; hệ thống điện đến hộ gia đình; hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Các xã đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn doanh nghiệp, vốn nhân dân đóng góp, bước đầu cải thiện được bộ mặt nông thôn.
Ngành giáo dục tiếp tục xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống công trình phục vụ chuẩn hóa về giáo dục trên địa bàn các xã. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; vận động học sinh trong độ tuổi đến lớp, hạn chế lưu ban, bỏ học nhằm duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Về y tế, các địa phương bám theo lộ trình đề án tỉnh và đề án của xã và đã có kế hoạch thực hiện công tác này, kinh phí từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm một số từ ngân sách địa phương.
Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn các xã đều được giữ vững, không để xảy ra các tình huống đột biến, bất ngờ, tệ nạn xã hội, tai nạn xã hội đều giảm. Thực hiện tốt Chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh, trật tự. Kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm hình sự, tai nạn giao thông và các loại tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn.
Những kết quả đạt được đã nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là Hội Nông dân trong công cuộc xây dựng NTM.