Kết quả triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số trên địa bàn tỉnh

14/06/2021 - 06:32

BDK - Pháp lệnh Dân số (DS) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 9-1-2003, có hiệu lực từ ngày 1-5-2003, là một bước tiến quan trọng trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về DS ở các cấp, nâng cao trách nhiệm của công dân, Nhà nước và xã hội đối với công tác DS, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Lấy máu gót chân để sàng lọc, chẩn đoán phát hiện sớm bệnh ở trẻ sơ sinh.

Lấy máu gót chân để sàng lọc, chẩn đoán phát hiện sớm bệnh ở trẻ sơ sinh.

Triển khai sâu rộng

Xác định công tác DS - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ủy ban DS - Gia đình và Trẻ em (nay là Chi cục DS-KHHGĐ) đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai và quán triệt Pháp lệnh DS và Nghị định số 104/2003/NĐ-CP của Chính phủ cho cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, nhằm cụ thể hóa các giải pháp thực hiện Pháp lệnh DS và các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực DS trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong từng giai đoạn đã lần lượt ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch để định hướng, chỉ đạo thực hiện công tác DS-KHHGĐ tại địa phương.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Pháp lệnh DS và các văn bản pháp luật có liên quan được lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên ở các cấp, các ngành, với sự tham gia của đông đảo ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Hoạt động truyền thông, giáo dục tập trung tác động đến từng hộ gia đình, từng cá nhân trên phương diện chiều rộng lẫn chiều sâu, nhằm giải quyết đồng bộ, toàn diện các vấn đề về quy mô DS, cơ cấu DS, phân bố dân cư và chất lượng DS. Duy trì thực hiện các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về DS trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre, Báo Đồng Khởi, Bản tin Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đặt mua Báo Gia đình và Xã hội; biên tập và phát hành Bản tin DS Bến Tre số lượng 3 ngàn tờ/kỳ; duy trì hoạt động trang website dansobentre.net.

 Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức 4.734 cuộc báo cáo chuyên đề về Pháp lệnh DS cho lực lượng vũ trang, sinh viên, hội viên các tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, tín đồ, các chức sắc tôn giáo với 80.207 lượt người tham dự, góp phần nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách DS rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

Công tác đào tạo, tập huấn nội dung về Pháp lệnh DS và các văn bản pháp luật có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong và ngoài hệ thống ngành DS cũng được tỉnh chú trọng thực hiện hàng năm. Theo đó, đã tổ chức 801 lớp đào tạo, tập huấn về Pháp lệnh DS cho 55.743 lượt người tham dự, gồm: cán bộ chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện, xã; thành viên ban DS-KHHGĐ xã, đội ngũ viên chức trung tâm DS-KHHGĐ huyện, trạm y tế xã và cộng tác viên DS. Đặc biệt, đội ngũ cộng tác viên DS đã tổ chức tuyên truyền Pháp lệnh DS trực tiếp đến người dân bằng nhiều hình thức như tư vấn tại hộ gia đình; truyền thông lồng ghép với sinh hoạt của các tổ chức chính quyền, đoàn thể; truyền thông nhóm nhỏ, thảo luận nhóm nhỏ với quy mô từ 100 - 120 ngàn cuộc mỗi năm.

Kết quả tích cực

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện Pháp lệnh DS mà các mục tiêu của chính sách DS về quy mô, cơ cấu, phân bổ dân cư và chất lượng DS đều được tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ và đạt được những kết quả tích cực. Tỷ suất sinh từ 15,51% giảm còn 11,7%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên được kéo giảm từ 8,37% xuống còn 3,84%. Tổng tỷ suất sinh từ 1,88 con/phụ nữ đã giảm còn 1,83 con/phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ được quản lý thai duy trì trên 99% trong 10 năm.

Liên hoan tuyên truyền lưu động công tác dân số.

Liên hoan tuyên truyền lưu động công tác dân số.

Tổng số bà mẹ thực hiện khám thai đủ 3 lần trở lên được duy trì trên 99% trong 10 năm. Tỷ lệ bà mẹ mang thai tham gia tầm soát trước sinh từ 0,03% đã tăng lên 67,17%. Tỷ lệ trẻ mới sinh tham gia tầm soát sơ sinh từ 4,2% đã tăng lên 96,04%. Tổng số cặp nam nữ thanh niên tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn từ 62 cặp đã tăng lên 770 cặp, tương ứng 13% nam nữ thanh niên trong độ tuổi sinh đẻ tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Tỷ lệ trẻ sinh ra dưới 2.500 gram duy trì dưới 2% trong 10 năm. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng từ 16,3% giảm còn 11,5%. Tỷ lệ chết mẹ do thai sản từ 13,21/100 ngàn trẻ đẻ ra sống giảm còn 12,5/100 ngàn trẻ đẻ ra sống. Tỷ suất chết dưới 1 tuổi duy trì dưới 2% trong 10 năm. Tỷ suất chết dưới 5 tuổi duy trì dưới 3% trong 10 năm. Tỷ lệ phá thai ở vị thành niên từ 21,85% giảm còn 2,7%. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa còn 26,81%. Phụ nữ từ 15 - 49 tuổi tham gia khám phụ khoa bình quân 0,38 lần/năm.

Trên 97% đối tượng được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) thiết yếu định kỳ hàng năm. 100% cơ sở y tế công đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. 100% cán bộ quản lý công tác DS, SKSS và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ, SKSS đạt chuẩn, được thường xuyên tập huấn, cập nhật chuyên môn. Độ tin cậy của số liệu từ kho dữ liệu dân cư chuyên ngành công tác DS-KHHGĐ đạt 98%.

Một số hạn chế cần khắc phục

Dù đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, song công tác DS-KHHGĐ tỉnh nhà thời gian qua cũng có những hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ qua nhiều lần thay đổi nên thiếu ổn định. Kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên DS còn thấp và chậm được cải thiện. Một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế về năng lực quản lý và điều hành. Trong hoạt động thiếu sự đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Hệ thống thu thập thông tin, số liệu DS, SKSS, KHHGĐ phục vụ cho công tác quản lý và điều hành chưa bảo đảm đầy đủ, thống nhất với một số ngành liên quan về quản lý biến động DS-KHHGĐ.

Một buổi truyền thông về phương tiện tránh thai.

Một buổi truyền thông về phương tiện tránh thai.

Chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với nhu cầu chăm sóc SKSS, KHHGĐ ngày càng cao trong nhân dân, nhất là nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên, người cao tuổi. Trạm y tế cơ sở, vật chất, trang thiết bị còn thiếu và chưa đồng bộ.

Hiệu quả truyền thông, giáo dục về DS, SKSS, KHHGĐ trên một số lĩnh vực còn hạn chế, chưa tạo được nhu cầu thực sự trong nhân dân, nhất là trong truyền thông, tư vấn thanh niên thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn. Tiến trình xã hội hóa đối với lĩnh vực DS, SKSS, KHHGĐ diễn ra chậm.

Trong bối cảnh mức sinh xuống thấp dưới mức sinh thay thế để khuyến khích sinh đủ 2 con nhằm duy trì mức sinh thay thế trong giai đoạn mới thì chưa có những chính sách, biện pháp khuyến khích để thu hút sự quan tâm của đối tượng và chưa khả thi đối với những địa phương điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Các chính sách khuyến khích, nhằm đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh chưa được Chính phủ quy định cụ thể để thực hiện trên quy mô cả nước, mà chủ yếu là do các tỉnh chủ động xây dựng từ điều kiện thực tế địa phương nên việc thực hiện giữa các địa phương là không đồng nhất. Mặt khác, dù đã có những quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng hiệu lực thực thi chưa cao, chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở người chưa thành niên và thanh niên có xu hướng gia tăng. Thái độ và hành vi về DS, SKSS, KHHGĐ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa tích cực, chưa thể hiện tính tính tiên phong, gương mẫu trong tham gia thực hiện các chủ trương do ngành DS phát động, nhất là khám sức khỏe trước khi kết hôn. Dịch vụ chăm sóc SKSS nam giới, người cao tuổi, người di cư chưa sẵn có, chưa thuận tiện và đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của họ.

Bài, ảnh: Anh Kiệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN