Kết quả từ việc luân chuyển cán bộ

29/09/2009 - 09:52
Ông Cao Văn Trọng - Bí thư Huyện ủy Ba Tri. Ảnh: T.M

Sau khi tỉnh có chủ trương về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Huyện ủy Ba Tri (HUBT) xây dựng kế hoạch nhằm thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng được rèn luyện trong thực tiễn, kết hợp tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực, địa bàn cần thiết, khắc phục được tình trạng cục bộ khép kín ở mỗi địa phương, đơn vị... Đặc biệt, Huyện ủy có chủ trương luân chuyển ngang các đồng chí lãnh đạo ngành, xã, đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Trọng –  Bí thư Huyện ủy về vấn đề này.

* Xin ông cho biết cụ thể kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn huyện?
- Ngay sau khi triển khai thực hiện Kế hoạch 28-KH/HU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiến hành luân chuyển 26 cán bộ theo chiều dọc, từ huyện xuống xã và từ xã lên huyện. Từ đầu năm 2007 đến nay, HUBT  đã mạnh dạn thực hiện thí điểm hình thức luân chuyển theo chiều ngang với 25 cán bộ ngành huyện và các xã, gồm: 9 đồng chí được luân chuyển từ ngành này sang ngành khác, 16 đồng chí
ở xã.
Hầu hết cán bộ được luân chuyển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và góp phần cho huyện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Việc luân chuyển này góp phần củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy; giúp cho cơ sở giải quyết kịp thời tình trạng hụt hẫng cán bộ và ổn định được tình hình, xây dựng khối đoàn kết nội bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong diện quy hoạch bổ sung thực tiễn, nâng cao được bản lĩnh, có tầm nhìn toàn diện hơn... Đặc biệt, thông qua công tác luân chuyển cán bộ, một số chi bộ đảng bộ cơ sở đã xây dựng được đơn vị trong sạch vững mạnh như các đảng bộ xã: Tân Thủy, Mỹ Chánh, Vĩnh Hòa, Vĩnh An; một số xã xây dựng thành công xã văn hóa mà trước đó phong trào chuyển chậm như: Vĩnh Hòa, Tân Thủy, sắp tới đây là: Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, Tân Hưng....
* Luân chuyển ngang là việc làm mới, ít nơi thực hiện. Xin ông cho biết những bài học kinh nghiệm?
- Qua 5 năm thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, HUBT rút ra được 5 bài học kinh nghiệm:
Trước hết là phải tổ chức quán triệt sâu nội dung Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị cho cán bộ, đảng viên thông suốt, tạo sự đồng thuận cao về thực hiện công tác luân chuyển. Kế đến là việc lựa chọn cán bộ phải được đặt lên hàng đầu. Cán bộ luân chuyển phải nằm trong quy hoạch và đảm bảo được tính “tương thích”, để có điều kiện phát huy được trình độ, khả năng; vừa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ hiện tại, vừa tích lũy được kinh nghiệm cho quá trình công tác tiếp theo. Thứ ba là phải làm tốt công tác tư tưởng trước, trong và sau luân chuyển, đảm bảo phương châm: “Thận trọng, khách quan, tránh gây sốc về tâm lý”; gắn luân chuyển cán bộ với ổn định và phát triển tổ chức, tạo được sự đồng thuận, nhất trí và hợp tác giữa nơi cán bộ đi và nơi cán bộ đến để tạo lập môi trường, điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khắc phục dần tư tưởng cục bộ, khép kín, chỉ chuộng người tại chỗ, trong địa phương, đơn vị, tổ chức. Thứ tư là giữ chặt mối liên hệ với cán bộ luân chuyển, giao Ban Tổ chức Huyện ủy theo dõi, hỗ trợ trong việc thâm nhập tổ chức và tiếp nhận công việc mới thật chu đáo; động viên tinh thần, ổn định tư tưởng, thực hiện tốt chính sách cho cán bộ luân chuyển. Và cuối cùng là phải tập trung giải tỏa hết những tiềm ẩn của dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ của nơi cán bộ đi và đến; tăng cường lãnh đạo công tác bầu cử nếu cán bộ luân chuyển đến phải qua qui trình bầu cử.
* Theo ông, giải pháp nào để hệ thống chính trị của xã hoạt động đồng bộ, mọi người đều có trách nhiệm với công việc được giao? Vì sao có một số xã chuyển biến chậm?
- Rõ ràng công tác cán bộ là khâu quan trọng nhất trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở các xã, thị trấn trong tình hình hiện nay. Kết quả đạt được của Ba Tri, theo tôi, HUBT đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác cán bộ, từ khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ, góp phần củng cố được cơ sở yếu kém, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị huyện nhà. Một số xã chuyển biến chậm vẫn là khâu cán bộ (đi học nhiều hơn đi làm). Những hạn chế này sẽ được khắc phục sớm trong thời gian tới khi Huyện ủy thực hiện chính sách điều chỉnh và thực hiện công tác luân chuyển cán bộ như kế hoạch đã đề ra. Năm 2010, chắc chắn hệ thống chính trị ở Ba Tri sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ. Cán bộ đã được chuẩn hóa, có phẩm chất đạo đức, có năng lực và tâm huyết sẽ được bố trí vào những chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị qua đại hội các cấp tới đây.
* Xin cảm ơn Bí thư!

TRẦN TUYẾN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN