Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thị Thu Nga (người thứ hai từ trái sang) cùng đoàn chuyên gia nước ngoài thăm ngư dân ở xã Thạnh Phong (Thạnh Phú). Ảnh: H.H
Năm 2008, đời sống của bà con ngư dân đã được cải thiện đáng kể. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận gặp khó khăn do sản xuất còn nhiều rủi ro và do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế đã gây tác động xấu đến thị trường tiêu thụ và cung cấp dịch thủy sản.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Nghề cá Việt Nam 1-4, chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với bà Trần Thị Thu Nga-Phó Giám đốc sở NN&PTNT chung quanh tình hình trên. Bà cho biết:
Năm vừa qua, Đảng, Nhà nước, ngành thủy sản có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện nhằm giảm bớt khó khăn cho ngư dân. Cụ thể như xây dựng các mô hình nuôi, đối tượng nuôi mới hiệu quả kinh tế cao hơn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, sản xuất cung ứng con giống chất lượng cao, kỹ thuật chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch, hỗ trợ chi phí xét nghiệm, phòng trừ dịch tôm, vốn để doanh nghiệp thu mua nguyên liệu, hỗ trợ dầu và bảo hiểm phương tiện, lao động cho ngư dân. Quan tâm tổ chức lại sản xuất theo mô hình đoàn tàu, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng như hoàn thiện cảng cá Bình Đại, nâng cấp cảng cá Ba Tri, đầu tư mới cảng cá An Nhơn, dự án dẫn nước ngọt từ hồ chứa Ba Lai phục vụ nuôi tôm, nước sinh hoạt cho ngư dân. Kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến thứcăn thủy sản, chế biến đông lạnh thủy sản ở khu công nghiệp An Hiệp, xây dựng các trại sản xuất và cung ứng giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá tra, bống tượng, cá chẽm, cá mú, rô phi, sặt rằn. Tiếp nhận và khai thác có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ và đầu tư của ngân sách Nhà nước, trái phiếu chính phủ, các chương trình dự án hỗ trợ từ nước ngoài…
Tiềm năng lớn nhưng tốc độ tăng trưởng chậm, vì sao?
Kinh tế thủy sảntrong các năm qua có chiều hướng phát triển tốt, phần lớn các chỉ tiêu đều đạt vượt so kế hoạch. Tuy vậy, so với tiềm năng thực tế của tỉnh thì tốc độ tăng trưởng còn rất chậm. Cụ thể như toàn tỉnh tổng diện tích nuôi 41.850ha, giảm 0,26%, đạt 99,4% kế hoạch năm. Trong đó, tôm sú thâm canh 5.200ha, giảm 11% so cùng kỳ, đạt 94,5%. Tổng sản lượng thủy sản 204.000 tấn, tăng 68%, đạt 112% kế hoạch. Trong đó, sản lượng nuôi 130.000tấn, tăng 31%, khai thác 74.000tấn, đạt 104%. Thành phần thủy sản chế biến đông lạnh 26.000 tấn, tăng 9,5%. Giá trị ngoại tệ xuất khẩu 70 triệu USD, tăng 13%.
Nguyên nhân tăng trưởng chậm là do sau khi sáp nhập, tổ chức bộ máy chưa được kiện toàn. Tình hình khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng khá lớn đến thị trường cung cấp dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Giá vật tư thiết bị liên tục tăng, giá sản phẩm giảm mạnh, thua lỗ kéo dài, ngân hàng tăng lãi suất và giảm định mức cho vay. Tình trạng thiếu vốn sản xuất, thị trường nhập khẩu bị thu hẹp gây không ít khó khăn cho người nuôi, doanh nghiệp, đời sống ngư dân, làm chậm tăng trưởng kinh tế địa phương. Thời tiết bất thường, dịch bệnh xảy ra nhiều hơn, diện tích nuôi tôm giảm từ 20-25%, đất nuôi tôm thẻ chân trắng, cá da trơn tăng chậm, hiệu quả rất thấp. Riêng khi hội nhập kinh tế thế giới, ngành thủy sản có lúc bị động, lúng túng trước một số rào cản thương mại, kỹ thuật từ phía đối tác nhập khẩu, thiếu thông tin thị trường, nguồn vốn, cán bộ quản lý kỹ thuật giỏi, dây chuyền công nghệ sản xuất, hệ thống trang thiết bị phục vụ kiểm soát an toàn vệ sinh chất lượng sản phẩm. Chuỗi sản xuất còn rời rạc theo kiểu mạnh ai nấy làm. Trong quá trình sản xuất thiếu sự chia sẻ lúc rủi ro. Một số thể chế chính sách thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất đúng hướng và quản lý tốt hơn, chậm được ban hành hoặc chưa đồng bộ, gây tác động không tốt trong dây chuyền sản xuất dẫn đến hậu quả như: chưa có chính sách cho chuyển nghề đánh bắtnên nguồn lợi bị hủy diệt, ô nhiễm môi trường gia tăng, dịch bệnh phát sinh, hàng hóa kém chất lượng không được ngăn chặn kịp thời. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến sản xuất các mặt hàng kém chất lượng, gây ách tắc thị trường tiêu thụ, hiệu quả sản xuất kém.
Vậy, giải pháp nào có thể tăng tốc cho ngành thủy sản?
Toàn ngành phấn đấu tập trung thực hiện các mục tiêu nuôi thủy sản theo hướng ổn định, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển thêm nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, chú trọng thị trường xuất khẩu kể cả thị trường nội địa, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo cho một bộ phận ngư dân vùng ven biển,khai thác đi đôi với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản đẩy mạnh phát triển khai thác xa bờ, chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác ven bờ còn sử dụng dụng cụ cấm, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Hoàn thiện qui hoạch vùng nuôi, đầu tư hạ tầng cho nghề cá, hoàn thiện các cảng cá, bến cá, ụ trú bão, hình thành các làng cá trọng điểm như An Thủy, Bình Thắng, Thạnh Phong, điều chỉnh bổ sung thể chế chính sách, chăm lo phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ đến ngư dân nhằm thúc đẩy phát triển ngành theo hướng hiệu quả, ổn định, bền vững.