|
Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Sáng 10/3, tại Hà Nội, Hội nghị Tư vấn các tổ chức dân sự khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã chính thức được khai mạc với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan ngoại giao, các cơ quan của Liên hợp quốc cùng đông đảo đại diện các tổ chức dân sự và tổ chức phi chính phủ hoạt động trong khu vực.
Hội nghị Tư vấn các tổ chức dân sự khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đăng cai tổ chức trong hai ngày 10-11/3, song song với Hội nghị khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 31 của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) diễn ra từ ngày 12 – 16/3 tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ông Hiroyuki Konuma, Trợ lý Tổng Giám đốc, Đại diện FAO tại châu Á; bà Yuriko Shoji, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam; bà Marlene D.Ramirez - Đại diện Ủy ban đặc trách về an ninh lương thực (AHC), Tổng Thư ký Tổ chức phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (AsiaDHRRA); bà Sarojeni V.Rengam- Đại diện Ủy ban lập kế hoạch quốc tế về an ninh lương thực (IPC), thành viên Ủy ban điều phối cơ chế các tổ chức dân sự Ủy ban an ninh lương thực thế giới (CSM-CC).
Hội nghị lần này là dịp để các đại biểu tham dự cùng trao đổi về tình hình nông nghiệp, lương thực trong khu vực và chia sẻ các kinh nghiệm nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các tổ chức trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á vì sự phát triển nông nhiệp bền vững; phân tích tình hình nông nghiệp và lương thực khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm đưa ra các khuyến nghị, đồng thời tìm ra các giải pháp có tính xây dựng, chủ động và tiên phong để giải quyết các khó khăn và thách thức chung; tạo điều kiện lồng ghép các thể chế tổ chức dân sự (CSM) trong quá trình cải cách của FAO - CSO trong khu vực góp phần tăng cường vai trò và sự tham gia có ý nghĩa của tổ chức dân sự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: “Hội nghị là diễn đàn để đại diện các tổ chức nông dân, ngư dân, phụ nữ, thanh niên nông thôn, các hợp tác xã và các tổ chức phi chính phủ cùng thảo luận về các vấn đề đang ảnh hưởng đến tình hình nông nghiệp và an ninh khu vực. Đây cũng là nơi được trông đợi sẽ đưa ra những khuyến nghị cụ thể nhằm góp phần cùng FAO và các nhà hoạch định chính sách xây dựng những quyết định đáp ứng nhu cầu của những vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các hộ nông dân sản xuất nhỏ, phụ nữ, thanh niên nông thôn và cư dân các dân tộc ít người”.
Ông Lượng cho biết, Hội nghị này được tổ chức song song với Hội nghị khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 31 của FAO, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đăng cai tổ chức cũng ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam mang ý nghĩa đặc biệt đối với đất nước chúng ta. Ông Nguyễn Duy Lượng cũng bày tỏ hy vọng cuộc thảo luận tại Hội nghị sẽ mang lại những kinh nghiệm thực tiễn quý báu giúp Việt Nam tìm ra những giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục những khó khăn hiện đang gặp phải.
Việt Nam là một nước nông nghiệp, nông dân chiếm hơn 70% dân số cả nước và trên 50% lực lượng lao động xã hội. Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức đại diện cho giai cấp nông dân Việt Nam với hơn 10 triệu hội viên được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến tận các thôn (ấp, bản, làng). Trong những năm qua, nông dân và Hội Nông dân Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới như: cà phê, tiêu, cao su, điều, thuỷ sản,… Tuy nhiên, điều kiện sống của nông dân nhất là ở các vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng, tình hình an ninh lương thực và đói nghèo tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như toàn cầu, trong nhiều năm qua đã được các quốc gia nỗ lực giải quyết, đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận và người nông dân Việt Nam có những đóng góp to lớn vào phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là trên lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp ra thị trường các nước trong khu vực và thế giới.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Hội nghị Tư vấn các tổ chức dân sự khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần này cùng thảo luận về các vấn đề ưu tiên đang ảnh hưởng tới an ninh lương thực và tình hình nông nghiệp của khu vực, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để FAO và các nhà hoạch định chính sách của khu vực xây dựng các chính sách tích cực hơn, nỗ lực hành động cao hơn để hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ giảm tỷ lệ người nghèo đói trên thế giới xuống còn một nửa vào năm 2015; đặc biệt là các hộ nông dân sản xuất nhỏ, phụ nữ, thanh niên nông thôn”.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị cùng chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: HL) |
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, bà Marlene D.Ramirez và bà bà Sarojeni V.Rengam cũng nêu bật những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua của công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực cũng như những khó khăn, trở ngại hiện gặp phải và những việc cần khẩn trương thực hiện trong thời gian trước mắt.
Ông Hiroyuki Konuma, Trợ lý Tổng Giám đốc, Đại diện FAO tại châu Á phát biểu nêu rõ, Hội nghị lần này được tổ chức tập hợp nhiều tổ chức xã hội dân sự chủ chốt có thể đem lại sự hỗ trợ hiệu quả cho người dân. Hội nghị là dịp để các đại biểu tham dự cùng chia sẻ ý kiến, trao đổi thông tin về các vấn đề như đảm bảo an ninh lương thực, xóa bỏ nạn đói, giúp người nông dân sản xuất nông nghiệp. Nhân dịp này, ông Hiroyuki Konuma cũng lên tiếng kêu gọi sự đoàn kết, hợp tác giữa các bên trong xã hội, huy động sự tham gia của tất cả mọi người nhằm hướng tới sự bền vững về an ninh lương thực.
Trong hai ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ cùng thảo luận về nhiều chủ đề hiện đang rất được quan tâm như: Thách thức đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng; Đối phó với thách thức: Mô hình và hành động phát triển nông nghiệp bền vững hướng về hộ nông dân sản xuất nhỏ; Nông nghiệp và quản trị lương thực…/.