Khai mạc phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

23/09/2008 - 13:24

Sáng nay 22-9, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp lần thứ 12 (Dự kiến phiên họp sẽ kéo dài từ ngày 22 đến ngày 27/9). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khai mạc phiên họp.

Tại phiên khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ và Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005-2007 để trình QH giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ Tư.

Theo báo cáo giám sát, tuy đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, song vẫn còn tình trạng luật và văn bản hướng dẫn thi hành chậm được ban hành, thay đổi thường xuyên, thiếu tính dự báo...Có văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều nội dung chưa phù hợp nên khó đi vào cuộc sống, ví dụ như Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn qui định dền bù đất ở sát giá thị trường trong điều kiện bình thường, hay trước khi thu hồi đất phải thông báo cho người sử dụng đất từ 90 – 180 ngày tuỳ loại đất hoặc có dự án mới cấp đất ( Nghị định 84/2007/NĐ – CP ); … gây ra rất nhiều khó khăn cho chủ đầu tư cũng như các địa phương trong quá trình triển khai dự án.

Bên cạnh đó, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản còn phức tạp, thời gian từ khâu chuẩn bị đến triển khai dự án đầu tư xây dựng quá dài, phải trải qua nhiều bước, làm giảm hiệu quả của dự án, thậm chí làm mất thời cơ đầu tư của doanh nghiệp. Quy trình thủ tục đấu thầu chiếm nhiều thời gian, việc áp dụng chỉ định thầu còn rườm rà, nhiều thủ tục. Hầu hết công trình ở địa phương là công trình qui mô nhỏ nhưng yêu cầu về thủ tục, hồ sơ như công trình có qui mô lớn. Có trường hợp nếu chỉ định thầu thì tiến độ nhanh hơn và giá rẻ hơn. Ví dụ: Dự án Nhà máy đạm Cà Mau nếu được chỉ định thầu thì sẽ chọn được nhà thầu với mức vốn đầu tư 500 triệu USD với thiết bị công nghệ cao, nhưng do phải đấu thầu nên thời gian hoàn thành chậm 2 năm, mức vốn đầu tư tăng lên 900 triệu USD, công nghệ thấp hơn.

Về kết quả thực hiện, tình trạng bố trí vốn dàn trải, kém hiệu quả vẫn khá phổ biến; trong đó Tập đoàn Điện lực quốc gia (EVN) có đến hàng chục dự án điện chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.

Dự án cầu Thanh Trì và tuyến phía Nam vành đai 3 Hà Nội với số vốn đầu tư 7.660 tỷ đồng chậm trễ nhiều tháng, mỗi ngày phải trả 1,5 tỷ đồng tiền lãi vay. Cầu xây xong nhưng hai đường dẫn lên cầu chưa hoàn thành nên tốn thêm cả chục tỷ đồng nữa để xây dựng đường tạm, song chất lượng đường rất kém, thường xuyên gây ách tắc...

Một số địa phương còn đặt ra các thủ tục trái với qui định của Chính phủ. Thời gian tiến hành các khâu của dự án kéo dài, làm chậm tiến độ dự án. Theo thống kê ở các địa phương, tổng cộng thời gian từ khi xin chủ trương đầu tư đến khi khởi công công trình đối với 1 dự án nhóm A: 1.250 ngày ( 42 tháng ); nhóm B: 870 ngày ( 29 tháng ); nhóm C: 675 ngày ( 23 tháng ). Theo nghiên cứu của Bộ Xây dựng, một số dự án khu đô thị tại Hà Nội và TP hồ Chí Minh để có được giấy phép thì cần trải qua 33 thủ tục hành chính, thời gian chuẩn bị cho 1 dự án trung bình kéo dài 3 năm. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng vẫn là một khâu phức tạp, khó thực hiện do cơ chế, chính sách không phù hợp, thiếu nhất quán giữa các loại dự án, giữa các địa phương và giữa các thời điểm thực hiện gây nhiều khó khăn cho quá trình triển khai dẫn đến khiếu nại kéo dài, chậm trễ bàn giao mặt bằng, gây lãng phí thất thoát khá lớn. Công tác nghiệm thu, thanh, quyết toán vốn đầu tư tuy đã cải tiến và giảm thiểu thủ tục hành chính nhưng vẫn là khâu mất nhiều thời gian đối với chủ đầu tư và nhà thầu…

Buổi chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật quản lý nợ công./.

Nguồn ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN