Khai thác có hiệu quả các làng nghề nông nghiệp

10/08/2015 - 07:32
Ông Võ Văn Chiến chăm sóc kiểng bông giấy.

Xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách có 3 làng nghề nông nghiệp được UBND tỉnh công nhận vào năm 2009 và 2014. Năm 2015, Phú Sơn phấn đấu có thêm 2 làng nghề nông nghiệp được công nhận.

Đó là nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng (CG,HK) ở ấp Mỹ Sơn Tây và ấp Phú Hiệp.

Ấp Mỹ Sơn Tây có diện tích tự nhiên 115ha, trong đó diện tích sản xuất CG,HK 27,4ha. Sản phẩm hiện nay có tiềm năng rất lớn ở Mỹ Sơn Tây là sản xuất cây giống xoài, sầu riêng, mít; hoa kiểng có bông giấy và mai vàng. Hiện nay, nghề sản xuất CG,HK ở Mỹ Sơn Tây giải quyết việc làm cho 431 lao động, trong đó có 33 lao động thuộc hộ nghèo. Nhờ sản xuất CG,HK mà thu nhập bình quân mỗi hộ nâng lên, từ năm 2009 đạt 29 triệu đồng/năm, đến năm 2014 đạt 60 triệu đồng/năm. Số hộ tham gia sản xuất CG,HK ngày càng tăng dần, năm 2009 có 41 hộ tham gia, hiện nay có 214 hộ. Từ kết quả xây dựng và phát triển nghề sản xuất CG,HK, những năm gần đây, hơn 200 hộ sản xuất CG,HK ở Mỹ Sơn Tây thực hiện tốt 3 tiêu chí quy định tại Thông tư số 116 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển ngành nghề nông thôn. Từ năm 2009 đến nay, sản xuất CG,HK ở Mỹ Sơn Tây ổn định ngày càng tăng dần khoảng 75 ngàn sản phẩm/năm. Các hộ tham gia luôn tìm giống mới, cải tiến mẫu mã mới cung cấp cho thị trường.

Ấp Phú Hiệp có diện tích tự nhiên 130,8ha, trong đó diện tích sản xuất CG,HK 42,65ha. Hiện nay, nghề sản xuất CG,HK ở Phú Hiệp giải quyết việc làm cho 560 lao động. Nhờ sản xuất CG,HK mà thu nhập bình quân mỗi hộ từ năm 2009 đạt 25 triệu đồng/năm, đến năm 2014 đạt 66 triệu đồng. Số hộ tham gia sản xuất CG,HK ngày càng tăng dần, năm 2009 có 195 hộ tham gia, đến 2014 có 240 hộ. Từ kết quả xây dựng và phát triển nghề sản xuất CG,HK, những năm gần đây, 240 hộ trong ấp thực hiện tốt 3 tiêu chí quy định tại Thông tư số 116 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ năm 2009 đến nay, Phú Hiệp sản xuất ổn định khoảng 900 ngàn sản phẩm/năm. Nghề sản xuất CG,HK ở đây trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế của các hộ giống như Mỹ Sơn Tây.

Anh Nguyễn Văn Thu ở Tổ nhân dân tự quản số 12 phấn khởi: “Những năm gần đây, tôi sản xuất, bán được khoảng 20 ngàn cây giống xoài, cam, quýt, bưởi. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lời khoảng 60 triệu đồng. Nhờ nghề này, tôi xây được nhà tường kiên cố với kinh phí khoảng 350 triệu đồng”.

Cùng ở Tổ 12, ông Võ Văn Chiến cho hay: “Tôi có kinh nghiệm trồng bông giấy khoảng 20 năm. Những năm gần đây, tôi trồng khoảng 2 ngàn chậu/năm. Mỗi năm, trừ chi phí, tôi còn lời khoảng 100 triệu đồng, với giá bán từ 150 ngàn đồng đến 5 triệu đồng/chậu, tùy loại”.

Nói về làng nghề sản xuất CG,HK ở xã Phú Sơn, ông Lê Huy Cường - Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết: Khi được công nhận làng nghề, các hộ tham gia sản xuất CG,HK được Nhà nước hỗ trợ vốn vay, làng nghề được hỗ trợ xây dựng cầu, đường… nhưng với điều kiện trong làng nghề phải có tổ hợp tác. Rất đáng mừng là Phú Sơn hiện có 10 tổ hợp tác sản xuất CG,HK. Phú Sơn có 6 ấp, trong đó 4 ấp được công nhận 3 làng nghề nông nghiệp. Hai ấp còn lại (Mỹ Sơn Tây và Phú Hiệp) hy vọng sớm được công nhận làng nghề nông nghiệp thì Phú Sơn là xã có 100% ấp có làng nghề nông nghiệp; qua đó, góp phần nâng lên 30 làng nghề nông nghiệp cho huyện Chợ Lách (toàn huyện hiện có 28 làng nghề nông nghiệp sản xuất CG,HK).

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích