Khai thác có hiệu quả hơn nghề làm cá khô ở Bình Thắng

28/08/2013 - 07:37
Các hộ làng nghề tự chế biến cá khô tại gia đình. Ảnh: H. Hiệp

Xã Bình Thắng là một trong những địa phương có nghề khai thác và đánh bắt thủy sản lớn nhất của huyện Bình Đại và cả tỉnh. Tại đây, nghề làm cá khô đang phát triển.

Hiện nay, Bình Thắng có hàng trăm hộ tham gia nghề đánh bắt thủy sản, có gần 30 hộ làm nghề chế biến cá khô để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trung bình sản lượng sản xuất mỗi năm trên 3.500 tấn sản phẩm các loại, gồm mực, cá đù, cá kèo, khô đuối, cá chỉ vàng, tôm khô… Doanh thu của làng nghề trên 2,2 tỷ đồng/năm. Có trên 300 lao động được giải quyết việc làm thường xuyên. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Thắng, một ngư dân và là hộ dân làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng nhận xét, dù có lúc thăng trầm nhưng làng nghề vẫn tiếp tục giữ vững và phát triển. Sản phẩm từ tiêu thụ trong huyện là chính, dần dà đã được đưa ra trong, ngoài tỉnh với sản lượng ngày càng tăng. Tuy vậy, năng suất, sản lượng và chất lượng thành phẩm của làng  nghề còn nhiều việc phải củng cố, nâng chất, bởi hầu hết sản phẩm đều chế biến thủ công, với kinh nghiệm theo kiểu truyền thống là chính. Đa số hộ dân chưa có máy sấy khô, chỉ sử dụng năng lượng mặt trời nên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Năm 2012, một số hộ trong làng nghề đã có ý thức trong việc nâng cao chất lượng thành phẩm, tạo tính cạnh tranh, đầu tư xây dựng thương hiệu, đăng ký kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa cho một số loại sản phẩm.

Để bảo tồn và phát huy thế mạnh của làng nghề cá khô Bình Thắng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) quyết định đầu tư hỗ trợ dự án khuyến công để khôi phục và phát triển làng nghề. Trung tâm đã tiến hành khảo sát và chọn một số hộ có tâm huyết và khả năng để đầu tư; đã hỗ trợ 2 thiết bị chế biến cá khô hiện đại cho hộ bà Nguyễn Thị Em và ông Trần Văn Lượng (ở ấp 2). Trung tâm cũng đã đầu tư máy nước nóng năng lượng mặt trời, 1 lò sấy khô bằng inox 12 giàn phơi, 2 bàn làm cá bằng inox, 3 bồn rửa cá. Theo đánh giá của Trung tâm, bước đầu dự án đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân làng nghề, như: rút ngắn được thời gian chế biến, sản lượng, chất lượng có nâng lên, chủ động được thời gian sản xuất, có kế hoạch dự trữ nguyên liệu, giúp cơ sở ổn định sản xuất. Nhiều hộ khác trong làng nghề đã tự đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao chất lượng thành phẩm.

Ông Lê Văn Hậu, một hộ dân ở làng nghề cho biết, mỗi cơ sở có bí quyết để tạo ra sản phẩm đặc trưng nhưng việc giữ vững và phát huy truyền thống làng nghề cũng được bà con có ý thức cao. Điều băn khoăn của làng nghề là làm sao để sản phẩm ngày càng chất lượng, tiêu thụ mạnh và hướng đến xuất khẩu.

HH-KY

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN