Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu:

Khai thác có hiệu quả nguồn vốn AMD Bến Tre

16/09/2019 - 07:02

Đoàn khảo sát của Dự án AMD tham quan sản phẩm sầu riêng đông lạnh chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: Hữu Hiệp

Đoàn khảo sát của Dự án AMD tham quan sản phẩm sầu riêng đông lạnh chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: Hữu Hiệp

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, ở Hòa Nghĩa, Chợ Lách có 20 năm kinh nghiệm trong mua bán, cung cấp và xuất nhập khẩu trái cây tươi. Công ty luôn không ngừng nỗ lực đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhất là khách hàng quốc tế về chất lượng, số lượng với nhiều chủng loại. Hàng năm, công ty cung ứng và xuất khẩu trên 20 ngàn tấn trái cây các loại cho các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Úc, Dubai và các nước châu Âu. Với phương châm “Mỗi sản phẩm là một niềm tin”, Công ty Chánh Thu luôn đổi mới dây chuyền sơ chế, đóng gói đạt tiêu chuẩn FSSC 22.000 và đầu tư cho nông dân phát triển nhiều vùng nguyên liệu an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Gần đây, công ty đưa vào hoạt động nhà máy sơ chế, đóng gói diện tích hơn 4.000m2 với trang thiết bị hiện đại và dây chuyền cấp đông sản phẩm trái cây để cung cấp các sản phẩm đông lạnh theo nhu cầu thị trường hiện nay. Qua đó, góp phần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Để tạo thêm nhiều nguồn nguyên liệu đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu, năm 2019, công ty thực hiện Dự án mở rộng vùng nguyên liệu trái cây xuất khẩu tại xã Hòa Nghĩa (Chợ Lách) với sản phẩm chính là chôm chôm và sầu riêng. Công ty đã xây dựng nhà xưởng ở ấp An Nhơn, xã Hòa Nghĩa, từ quý III năm 2017 đến nay, với tổng vốn đầu tư 4,35 tỷ đồng; trong đó, Dự án AMD Bến Tre hỗ trợ từ nguồn PPP gần 2,1 tỷ đồng. Dự án này đã tạo việc làm mới cho 237 lao động (trong đó, có 200 lao động thời vụ, có 41 là lao động nghèo; 37 lao động dài hạn, có 15 lao động nghèo, cận nghèo); 200 hộ tham gia cung ứng nguồn nguyên liệu (trong đó, có 64 hộ nghèo, cận nghèo và có chủ hộ là nữ). Bước đầu, dự án mang lại lợi nhuận bình quân trên 1 hộ cung ứng năm thứ nhất khoảng 234 triệu đồng/ha/năm và tỷ lệ hoàn vốn năm thứ nhất là 76% với hộ nông dân cung ứng chôm chôm; đối với hộ có quy mô từ 1 - 2ha có lợi nhuận bình quân 46,8 triệu đồng/năm. Lợi nhuận bình quân trên 1 hộ cung ứng năm thứ nhất đối với sầu riêng là 321 triệu đồng/ha/năm và tỷ lệ hoàn vốn năm thứ nhất là 83,5%; các hộ có quy mô từ 1 - 2ha sẽ có lợi nhuận bình quân 64 triệu đồng/ha.

Dự án cũng liên kết với 200 hộ nông dân với tổng diện tích 93,5ha, có 8 hợp đồng được ký kết với các tổ liên kết. Ngoài nâng cao thu nhập cho nông dân (khoảng 60 triệu đồng/năm), dự án còn nâng cao nhận thức của nông dân trong việc sản xuất qua việc đào tạo quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch; hỗ trợ vùng sản xuất đủ điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn GAP như kho phân thuốc, đồ bảo hộ lao động. Qua thực tế, công ty đã tạo việc làm cho trên 279 lao động, nhiều hơn 42 lao động so với kế hoạch dự án. Thu nhập bình quân của người lao động 36 triệu đồng/năm. Ngoài ra, người lao động còn được đào tạo nâng cao tay nghề, có việc làm ổn định.

 Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc công ty: Hiện nay là thời điểm thu mua sản phẩm của nông dân trong dự án, tuy nhiên sản lượng chưa nhiều bởi nông dân chưa quen việc mua bán qua tổ hợp tác, chưa quen canh tác theo tiêu chuẩn GAP nên sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu các nước chưa nhiều. Trước mắt, doanh nghiệp giới thiệu các thương lái thu mua các sản phẩm chưa đạt chuẩn để cung cấp cho các thị trường dễ tính.

Sắp tới, Dự án AMD Bến Tre sẽ tiếp tục tập huấn kỹ thuật, cấp chứng nhận VietGAP và cam kết thu mua cao hơn giá thị trường từ 10 - 15%. Thu nhập của nông dân trong dự án sẽ được cải thiện, tạo việc làm ổn định cho các hộ nông dân và người lao động.

Nhờ có sự hỗ trợ của Dự án AMD, công ty có thêm vùng nguyên liệu ổn định, tại chỗ và lâu dài, đáp ứng cho thị trường xuất khẩu và cạnh tranh được với các đối tác khác. Hiện công ty đang phát triển các sản phẩm cấp đông; làm việc với các hệ thống siêu thị trong nước và ký kết hợp đồng cung ứng nguyên liệu dài hạn. “Thời gian tới, các sản phẩm của nông dân sẽ được ổn định đầu ra và nhà máy đóng gói sẽ được mở rộng, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương và các vùng lân cận. Công ty cũng đang có dự án về du lịch kết hợp với các hộ nông dân trong vùng Dự án AMD. Hiện có 150 nông dân đồng thuận đầu tư” - bà Nguyễn Thị Hồng Thu cho biết thêm.

 Tiến Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN