Khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước

22/03/2019 - 07:27

BDK - Nước là tài nguyên vô cùng thiết yếu, là một trong những điều kiện để duy trì sự sống của con người. Do đó, quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước đòi hỏi phải hợp lý và mang tính bền vững cho sự phát triển trong tương lai.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng thăm Nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch An Hiệp - N.I.D. Ảnh: Cẩm Trúc

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng thăm Nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch An Hiệp - N.I.D. Ảnh: Cẩm Trúc

Nước có thể cạn kiệt

Theo báo cáo thực trạng tài nguyên nước của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tổng lưu lượng nước mặt trong toàn tỉnh trên 7.515m3/giây, phân bố trên 4 nhánh sông chính: Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên, với 419,350km2 lưu vực. Ngoài ra, còn có trên 103 sông, kênh, rạch nhỏ phân bố đều khắp trong đất liền. Có thể thấy, nguồn tài nguyên nước rất dồi dào, sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trong đời sống nhân dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với sự tác động của biến đổi khí hậu, lãng phí của con người, tài nguyên nước đang có nguy cơ suy giảm, cạn kiệt.

Kết quả quan trắc của ngành chức năng, thực tế chất lượng nước trên các sông của tỉnh thuộc loại trung bình với giá trị pH (số xác định tính chất hóa học của nước; thang chỉ số pH 0 - 14) dao động từ 7 - 8, hàm lượng sắt tương đối cao nhưng có xu hướng giảm dần; mức nhiễm bẩn hữu cơ thấp với chỉ số BOD (lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hóa các chất hữu cơ) đạt tiêu chuẩn đối với nguồn loại B (BOD <25 mg/l); dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nguồn nước mặt ở các sông cũng được phát hiện, hàm lượng vẫn còn trong giới hạn cho phép.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nguồn nước mặt các sông lớn trên địa bàn tỉnh về cơ bản có chất lượng tương đối tốt, tuy nhiên nhiễm bẩn hữu cơ và vi sinh có xu hướng tăng nhẹ trong những năm gần đây. Nguồn nước mặt ở khu vực đô thị đã bị nhiễm bẩn chất hữu cơ, vi khuẩn và có xu thế gia tăng tại các khu vực dân cư tập trung. Các khu vực có chất lượng kém hơn được xác định là khu vực sông Bến Tre, các kênh rạch trên địa bàn thị trấn thuộc huyện Bình Đại, Chợ Lách. Nguồn gây ô nhiễm chính được xác định là chất thải sinh hoạt.

Giải pháp quản lý nguồn nước

Trưởng phòng Quản lý tài nguyên và khí tượng thủy văn, Sở TN&MT Huỳnh Yến Vân cho hay, thời gian qua, công tác điều tra đánh giá tài nguyên nước chưa chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thiếu cơ sở dữ liệu, mạng quan trắc chưa hoàn thiện, thiếu về trang thiết bị, kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, các nước thượng nguồn sông Mekong đang gia tăng xây dựng các đập thủy điện dẫn đến việc thiếu nước; nguồn nước đang nhiễm bẩn, xâm nhập mặn, suy giảm nguồn nước. Điều đáng nói, nhiều cơ sở sản xuất chưa quan tâm đúng mức việc xử lý nước thải.

Một nhánh của sông Hàm Luông. Ảnh: Tô Hân

Một nhánh của sông Hàm Luông. Ảnh: Tô Hân

Để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong giai đoạn trước mắt cũng như bảo đảm phát triển bền vững, Sở TN&MT thực hiện những biện pháp kiên quyết để quản lý nguồn nước góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… UBND tỉnh đã và đang tiếp tục xây dựng các công trình tích nước, hệ thống thủy lợi, quy hoạch phân vùng khai thác sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải nhằm kiểm soát số lượng và chất lượng nguồn nước.

Cụ thể, hồ chứa nước ngọt huyện Ba Tri và nhiều nhà máy nước được xây dựng và đưa vào sử dụng ở các xã vùng nông thôn. Năm 2018, tỉnh triển khai thực hiện Dự án Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; thực hiện dự án xây dựng danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn. Do nguồn kinh phí hạn chế nên tỉnh chỉ thực hiện quy hoạch đối với nguồn tài nguyên nước dưới đất.

Bà Huỳnh Yến Vân cho biết, Sở TN&MT đang thực hiện đánh giá hồ sơ dự thầu theo quy định, dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Đây là cơ sở quan trọng đối với công tác quản lý nguồn tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngành sẽ phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt Luật Tài nguyên nước, công tác giáo dục, truyền thông nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhất là trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Xây dựng quy hoạch, cơ sở dữ liệu, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tài nguyên nước; triển khai xây dựng các trạm quan trắc, hệ thống thông tin về tài nguyên nước.

Thiên Di

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN