.jpg)
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập tặng hoa cho các chuyên gia gợi ý liên kết khởi nghiệp và phát triển trên nền tài nguyên bản địa.
Từ tài nguyên dừa
Bà Nguyễn Thị Thương Linh - Phó giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ nhận định, ở Bến Tre, TNBĐ đang được tập trung khai thác là dừa. Gần 2.000 doanh nghiệp (DN) đang sản xuất từ nguyên liệu dừa, chiếm 50% tổng số DN đang hoạt động. Tỉnh là địa phương điển hình về thành công trong việc khai thác, phát huy TNBĐ. “Chưa có địa phương nào trong khu vực khai thác TNBĐ thành công như ở Bến Tre và xác định rõ TNBĐ là dừa”, bà Nguyễn Thị Thương Linh nói.
“TNBĐ còn là các làng nghề truyền thống, là những con người mới. Nếu kết hợp nền tảng công nghệ, thiết bị, máy móc hiện đại thì sẽ cho ra những sản phẩm mới, phát triển vượt bậc, có khả năng vươn xa hơn trên thế giới”, bà Lê Thị Huế My - Giám đốc Công ty TNHH tự động hóa Tùng Phát, xã Hữu Định, huyện Châu Thành nhận xét.
Công ty TNHH tự động hóa Tùng Phát đang ứng dụng công nghệ CNC vào sản xuất những sản phẩm có vật liệu làm từ gáo dừa và gỗ dừa. Đây là ngành nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ mang tính chất truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, chậm phát triển về thị trường. Nếu dựa trên nền tảng này nhưng ứng dụng công nghệ vào sản xuất và thương mại điện tử thì có thể nâng cao sản lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường thế giới.
Đến nguồn nhân lực
“Người KN ở tuổi 60” Nguyễn Thanh Mỹ (tỉnh Trà Vinh), là một Việt kiều Mỹ, Chủ tịch Công ty cổ phần Rynan Agrifoods. Sản phẩm KN của ông là thiết bị công nghệ phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu; các loại phân bón thông minh… Tài nguyên ông luôn đặt lên vị trí hàng đầu là con người. Ông nói: “Người Việt Nam rất thông minh, chịu khó, có trách nhiệm với cộng đồng, quê hương… Đó là tài nguyên quý giá cần được khai thác bằng cách tiếp tục trau dồi, đào tạo, đầu tư. Mục tiêu là để có người văn minh hơn, trung thực hơn, khát vọng hơn, trí tuệ sáng tạo hơn, chịu khó suy nghĩ hơn”.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Yeah 1, Giám đốc Yeah 1 Bến Tre chia sẻ: “Khi nói đến startup thì yếu tố con người là trước tiên. Con người mới quyết định toàn bộ thành công của công ty. Do đó, ở mỗi các startup phải có 3 yếu tố: ý tưởng tốt; khả năng thực hiện ý tưởng; có kế hoạch thực hiện ý tưởng và trau dồi tính cách, phẩm chất con người”.
Một địa phương muốn phát triển hoạt động KN cần ươm tạo, nuôi dưỡng những con người có hội đủ 3 yếu tố trên chắc chắn thành công. Việc đầu tư, ươm tạo KN cũng cần xác định đúng đối tượng. “Thông thường, các địa phương chọn giải pháp trước tiên là mời nhà đầu tư lớn về đầu tư tại địa phương. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài, bền vững cốt lõi là đào tạo ra những DN địa phương để phát triển, hội đủ tình yêu đất nước, niềm tự hào quê hương, có trăn trở và am hiểu nhất về các giá trị TNBĐ ở nơi đó”, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đúc kết.
Cần hỗ trợ chuyên sâu
“Muốn đi nhanh là phải làm nhanh, muốn làm nhanh thì phải thay đổi tư duy, chịu khó suy nghĩ, tìm kiếm, lăn lộn với cuộc sống, xã hội để lắng nghe, thấu hiểu xã hội cần gì, thị trường cần gì để nghiên cứu sản xuất, kinh doanh”, ông Huỳnh Kỳ Trân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thorakao, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ bí quyết.
Trao đổi về một số giải pháp thúc đẩy KN trên nền tảng phát huy giá trị TNBĐ gắn với đổi mới sáng tạo, ông Huỳnh Kỳ Trân cho biết thêm: Với Bến Tre nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung, điều quan trọng là cần xây dựng một cánh đồng mẫu lớn bằng cách thuê đất lại của người dân tạo vùng nuôi trồng tập trung, theo tiêu chuẩn chuẩn mực; có quy hoạch đầu tư, cung cấp cẩm nang đầy đủ, lựa chọn giống phù hợp cho thị trường; có ghi đầu việc cụ thể để người dân tham gia, có hướng dẫn từng bước, chỉ rõ cách thức để họ thấy và làm theo, tiếp nhận thông tin kỹ thuật mới, cho ra sản phẩm đúng tiêu chuẩn thị trường; phát triển tận ngọn nông thủy sản bằng cách cho ra thị trường các sản phẩm chế biến đóng gói đa dạng, trực tiếp đến tay người tiêu dùng, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để gia tăng giá trị sản phẩm gấp nhiều lần. Kết quả, kinh tế hộ sẽ được cải thiện, góp phần vào phát triển đồng bộ kinh tế địa phương.
“Nếu không tìm hiểu, nghiên cứu để phát triển theo hướng chuyên sâu thì khó phát triển bền vững, cho dù tỉnh đang ở trên vùng đất rất được thiên nhiên ưu đãi, phì nhiêu, rất nhiều lợi thế kinh tế. Điều quan trọng tới đây là địa phương cần có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn người dân nắm vững và thực hiện kế hoạch lâu dài, xây dựng vùng nguyên liệu, thấu đáo nhu cầu thị trường, tiến đến công cuộc làm cho dân giàu, nước mạnh”, ông Huỳnh Kỳ Trân nhấn mạnh.
“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, bên cạnh những cơ hội mới được mở ra cũng có không ít khó khăn, thách thức ở phía trước. Do đó, cần phải hợp sức để giải quyết, trên cơ sở phát huy tối đa những thế mạnh riêng và liên kết để khai thác lợi thế chung của vùng, khắc phục những hạn chế của mỗi địa phương, để cùng nhau đi xa hơn.
Chúng ta phải tập trung tận dụng và khai thác những lợi thế về TNBĐ mang bản sắc riêng của mỗi địa phương mà không nơi nào có được, kết hợp với sức mạnh công nghệ để biến những TNBĐ của mỗi địa phương thành những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có thương hiệu mạnh, mang tầm khu vực, quốc tế và có giá trị gia tăng cao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của từng địa phương và phát triển chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
(Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi)
|
Bài, ảnh: Nhiên Luận