 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ khai trương hoạt động Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là trung tâm hoạt động giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch tầm quốc gia, là nơi tập trung tái hiện, giữ gìn, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống và đặc sắc nhất của 54 dân tộc anh em.
Trong không khí cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội lần thứ XI của Đảng, tối 19/9, tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội đã diễn ra trọng thể Lễ Khai trương hoạt động của Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ban ngành Trung ương, địa phương và hàng nghìn già làng, trưởng bản, nhân sĩ, trí thức, nghệ nhân và đồng bào 54 dân tộc anh em, các Đại sứ và bạn bè quốc tế đến dự.
“Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em
Tuyên bố “Khai trương hoạt động của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của chính quyền địa phương các cấp trong cả nước và thành phố Hà Nội, đặc biệt là đại diện cộng đồng các dân tộc Việt Nam, các nghệ nhân đã nỗ lực và tích cực tham gia ngay từ đầu vào quá trình đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, trong nhiều thập kỷ qua, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng thực hiện nhất quán chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đồng thời, quan tâm chăm lo phát triển văn hóa, khẳng định Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc
Thủ tướng mong muốn thủ đô Hà Nội, các địa phương trong cả nước, các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hãy phát huy tốt vai trò chủ thể văn hoá, tiếp tục tham gia tích cực vào việc xây dựng và sáng tạo không gian văn hoá, hoàn thiện cơ chế phối hợp để quản lý khai thác vận hành có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch của các tầng lớp nhân dân, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
 |
Tái hiện sự tích con Rồng - cháu Tiên. Ảnh: Chinhphu.vn |
Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta, mà Người đã viết trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, ngày 19/4/1946 tại PleiKu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt; chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt, chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ gìn quyền tự do độc lập của chúng ta…”, Thủ tướng tin tưởng, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, sẽ phát huy vai trò của một trung tâm hoạt động và giao lưu văn hoá, thể thao, du lịch quốc gia và quốc tế, xứng đáng là địa chỉ tin cậy để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.
Cho rằng, sau lễ khai trương này còn rất nhiều việc phải làm như tiếp tục xây dựng, hoàn thiện toàn bộ không gian văn hóa của 54 dân tộc anh em, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và thành phố Hà Nội chỉ đạo và phối hợp với Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi và thu hút đầu tư vào các dự án, các khu chức năng như: Khu Trung tâm thể thao và vui chơi giải trí; khu di sản văn hóa thế giới; khu dịch vụ du lịch tổng hợp; khu công viên, bến thuyền và khu mặt nước hồ Đồng Mô…
Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quí báu của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và sự nghiệp phát triển văn hóa nói riêng, đặc biệt là sự hợp tác giúp đỡ của UNESCO.
Trung tâm văn hoá - du lịch quốc gia và quốc tế
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng tại một vị trí đẹp, bán sơn địa, có địa hình đồi núi, hồ nước và cảnh quan thiên nhiên đa dạng, gần với đặc trưng của nhiều vùng, miền đất nước, không khí trong lành, hệ sinh thái phong phú; là nơi hội tụ những điều kiện thuận lợi về tự nhiên và văn hóa, lại gần với non Tản linh thiêng, gắn liền huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh thời dựng nước.
Ðây cũng là khu vực cách trung tâm Hà Nội khoảng 35- 40 km, thuận tiện cho việc đi lại của du khách và phù hợp việc xây dựng một trung tâm văn hóa, du lịch mang tính quốc gia, một tổng thể hữu cơ nhằm tập trung tái hiện, giữ gìn, phát huy và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; giới thiệu đất nước, con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; các di sản văn hóa thế giới, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, du lịch của nhân dân và du khách.
Trong không gian của Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc được khôi phục 1 ngôi nhà, cũng có thể là đình, chùa, nhà rông... cùng các công cụ sản xuất, các hoạt động thủ công, mỹ nghệ hay là trồng lúa nương, dệt, cày cấy, đánh cá, lễ hội, ca hát, nghi lễ lúc sinh đẻ, ngày mùa, chôn cất, cưới hỏi... Trong đó mỗi dân tộc có những nét riêng của mình. Chính sự khác biệt này làm nên nét phong phú, đa dạng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Nơi đây cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa quốc gia giới thiệu về thiên nhiên, đất nước, những thành tựu văn hóa, xã hội và con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
 |
Tái hiện lễ hội văn hóa của đồng bào Tây Bắc. Ảnh: Chinhphu.vn |
Dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng trên diện tích 606 ha mặt đất và 939 ha mặt nước, bao gồm 6 khu chức năng chính (Khu các Làng dân tộc, Khu Trung tâm Văn hoá, Khu vui chơi giải trí, Khu dịch vụ du lịch tổng hợp, Khu di sản văn hoá thế giới, Khu công viên bến thuyền, Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, Khu Điều hành quản lý và Văn phòng).
Ðiểm nhấn là khu vực xây dựng 54 làng dân tộc với cảnh quan, kiến trúc đặc trưng phù hợp với mỗi dân tộc. Mỗi dân tộc được khôi phục 1 ngôi nhà, cũng có thể là đình, chùa, nhà rông... cùng các công cụ sản xuất, các hoạt động thủ công, mỹ nghệ hay là trồng lúa nương, dệt, cày cấy, đánh cá, lễ hội, ca hát, nghi lễ lúc sinh đẻ, ngày mùa, chôn cất, cưới hỏi... Trong đó mỗi dân tộc có những nét riêng của mình. Chính sự khác biệt này làm nên nét phong phú, đa dạng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Nơi đây cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa quốc gia giới thiệu về thiên nhiên, đất nước, những thành tựu văn hóa, xã hội và con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Bên cạnh đó, các khu chức năng tái hiện một cách ước lệ và khái quát đất nước Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước gắn với hệ thống dịch vụ thương mại, nhà hàng, du lịch, khách sạn, khu hành chính và cảnh quan; trong đó có bổ sung một số hạng mục dịch vụ, thể thao và vui chơi cao cấp. Ngoài ra là khu các di sản văn hóa thế giới; các trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, công viên nước, các công trình văn hóa và bến thuyền.v.v.
Kế hoạch đầu tư phát triển Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam đến năm 2015 cũng đã được Thủ tướng phê duyệt: giai đoạn 1 (2008-2010) hoàn thành xây dựng 34/54 làng dân tộc thuộc khu các Làng dân tộc, dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật chung và khai trương vào năm 2010; giai đoạn 2, hoàn thành toàn bộ dự án.
Lễ khai trương chính thức đưa Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam vào hoạt động được tổ chức qui mô và mang đậm dấu ấn văn hoá đặc trưng của đất nước, con người Việt Nam, văn hoá của mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Trước đó, tại đây đã diễn ra Lễ mở cổng Làng Văn hóa; Lễ vinh danh một số làng nghề truyền thống của 54 dân tộc anh em chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; gặp gỡ giao lưu với các Đại sứ nước ngoài và các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam và Chương trình văn nghệ đặc sắc phác họa bức tranh thu nhỏ của đất nước Việt Nam tươi đẹp - nhịp sống trẻ trung - vui cùng bầu bạn - hướng tới Đại lễ, giới thiệu về hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc với nhịp sống trẻ trung, hiện đại, đang từng ngày đổi mới./.
Một số hình ảnh trong Lễ Khai trương hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam:
 |
Trình diễn dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ảnh: Chinhphu.vn |
 |
Điệu múa của đồng bào dân tộc Thái. Ảnh: Chinhphu.vn |
 |
Tái hiện sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: Chinhphu.vn |