Hội thảo Khoa học quốc tế về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Khẳng định tầm vóc Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

29/06/2022 - 05:36

BDK - Trước thềm Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”, phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc trao đổi nhanh với GS.TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), thành viên đồng chủ trì tại hội thảo.

GS.TS Nguyễn Chí Bền báo cáo nội dung chuẩn bị nội dung hội thảo khoa quốc tế về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Phan Hân

GS.TS Nguyễn Chí Bền báo cáo nội dung chuẩn bị nội dung hội thảo khoa quốc tế về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Phan Hân

* Xin Giáo sư cho biết tầm vóc, ý nghĩa của Hội thảo Khoa học quốc tế về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu lần này?

- GS.TS Nguyễn Chí Bền: Cách đây 40 năm, Bến Tre đã phối hợp với Viện Khoa học Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc gia về Nguyễn Đình Chiểu. Tuy nhiên, tại hội thảo lần này, cũng là lần đầu tiên có tất cả các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu hội tụ về quê hương Bến Tre. Bến Tre phối hợp với Bộ VHTT&DL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế về “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”. Có thể nói rằng, đây là một sự kiện văn hóa lớn của Bến Tre, của khu vực Nam Bộ và của đất nước Việt Nam. Lần đầu tiên, các học giả trong nước và nước ngoài đã hội tụ về Bến Tre, có các nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu.

Việc tổ chức hội thảo lần này có ý nghĩa rất lớn. Trước hết, đây là thời điểm mà tất cả các nhà nghiên cứu, nhà khoa học sẽ đánh giá tiến trình nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu. Đồng thời, cũng định vị rõ cái được và cái chưa được để cho công tác tiếp tục nghiên cứu về sau này. Mặt khác, hội thảo cũng là cơ hội để tỉnh giới thiệu văn hóa, vùng đất, con người Bến Tre và gắn kết về du lịch. Tôi cho rằng, đây là thời cơ tốt của tỉnh nhưng cũng là một thách thức đối với Bến Tre, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh trong tận dụng cơ hội để phát triển tỉnh nhà vươn xa hơn nữa.

* Giáo sư có thể giới thiệu đôi nét về các bài tham luận tại hội thảo?

- Với 130 tóm tắt tham luận gửi về hội thảo, tôi cùng với bộ phận thường trực về nội dung đã xem xét và mời các tác giả viết toàn văn tham luận. Các tác giả đã gửi đến và chúng tôi đã lựa chọn 97 bài toàn văn tham luận để in thành kỷ yếu. Tại hội thảo sẽ có toàn văn 2 tập kỷ yếu do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản. Đây cũng là một bước tiến bộ vượt bậc của Bến Tre so với nhiều hội thảo quốc tế khác (bao giờ cũng vậy, phần in ấn kỷ yếu sẽ được thực hiệu sau hội thảo). Riêng Hội thảo Khoa học quốc tế lần này, Bến Tre đã chủ trương làm ngay kỷ yếu xuất bản. Cho thấy, đây là một cố gắng rất lớn của tỉnh, sự nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ của tổ giúp việc. Tỉnh đã tạo mọi điều kiện, mọi cơ hội để bộ phận nội dung chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.

* Cảm xúc của Giáo sư khi tham dự Hội thảo Khoa học quốc tế về Danh nhân văn hóa đầu tiên của vùng đất Nam Bộ? 

- Đối với cá nhân tôi, 40 năm trước, tôi đã có bài tham luận trình bày tại Hội thảo quốc gia về Nguyễn Đình Chiểu. Tại lần này, tôi vinh dự được Tỉnh ủy, UBND tỉnh phân công là người trực tiếp tổ chức về nội dung. Tôi rất xúc động, vì tâm nguyện của tôi đối với cụ Nguyễn Đình Chiểu đã dần hoàn thành. Có thể nói, mặc dù tôi đã có 11 lần tham gia chủ trì hội thảo khoa học quốc tế nhưng với tôi, tham gia vào hội thảo dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là một trong những sự kiện lớn trong cuộc đời nghiên cứu của tôi với nhiều cảm xúc khó quên. Đồng thời, cũng đặt trên vai mình trọng trách rất lớn. Tôi sẽ cùng với bộ phận nội dung cố gắng hết mình để làm tốt vai trò, trọng trách được giao, góp phần vào việc tổ chức thành công kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

* Xin cảm ơn nhưng chia sẻ của GS.TS Nguyễn Chí Bền!

Ánh Nguyệt (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN