Trung tâm giống nông nghiệp vừa tổ chức cho trên 100 nông dân khảo sát và chọn các giống lúa thử nghiệm của Trung tâm giống tại xã Tam Phước (Châu Thành). Đây là chương trình khảo nghiệm để chọn ra các giống thích hợp cho từng địa phương trong tỉnh, đồng thời từng bước thay các bộ giống cũ, kém hiệu quả.
Kết quả khảo nghiệm cho thấy, trong tổng số 0,7ha thì đã khảo nghiệm 0,4ha, sản xuất thử và chọn dòng 0,3ha, gồm 122 giống, trong đó có 100 giống khảo nghiệm (của Viện Lúa ĐBSCL 69 giống, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL 31 giống), bộ sản xuất thử triển vọng do Trung tâm chọn 12 giống, Viện Nghiên cứu phát triển chọn 4 giống. Qua quá trình theo dõi các chỉ tiêu nông học, khả năng chống chịu sâu bệnh, bước đầu, trung tâm đã chọn ra được một số giống triển vọng. Bộ trung mùa Viện lúa ĐBSCL: OM 4637, có dạng hình đẹp, nhảy chồi khá, bông ngắn, ít bệnh vàng lá. Tuy nhiên, năng suất không vượt qua các giống trung mùa hiện có. Giống OM 2499, là giống nổi bật nhất về năng suất, nhảy chồi tốt, bông dài, hạt sáng rọi. Tuy vậy, hình không đẹp do lá chân nhiều, nhiễm vàng lá giai đoạn sinh trưởng. Bộ A2 Viện lúa ĐBSCL, nhiều giống dạng hình khá đẹp, độ thuần khá, ít nhiễm bệnh vàng lá. Nổi bật nhất trong bộ này có các giống: OM 8105, OM 6976, OM 7921. Bộ A1, nhiều giống có dạng hình đẹp, độ thuần khá, ít nhiễm vàng lá. Nổi bật là các giống: OM 8105, OM 8106, OM 5976. Bôỉ Viện lúa ĐBSCL, đa số có hình thấp cây, khả năng nhảy chồi trung bình, có 2 giống đánh giá khá là OM 8108, OM 8464. Bộ đặc sản Viện Lúa ĐBSCL là bộ giống gạo chất lượng nhưng về dạng hình, năng suất không nổi trội, nhiễm bệnh nhiều. Một số giống khá như: OM 7024, OM 6707, OM 4637. Bộ sản xuất thử triển vọng, gồm OM 4103, OM 8105, OM 6976, OM 8923, OM 4059, MTL 547…
Theo Trung tâm giống nông nghiệp, đây là kết quả đánh giá ngoài đồng của cán bộ kỹ thuật và nông dân. Các giống này còn phải tiếp tục chọn lại để khắc phục các đặc tính trổ kéo dài hoặc phân ly nhẹ về chiều cao.