Dừa cho mật ngọt, kỳ 3:

Khát vọng của “Người giữ dừa”

29/03/2023 - 05:31

BDK - Việc chính thức thử nghiệm quy trình lấy mật từ hoa dừa đã được chàng trai “9x” Tô Chí Hải, xã An Khánh, huyện Châu Thành thực hiện từ khoảng cuối năm 2018, tại một vườn dừa đầu tiên ở xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm. Từ thành công này, anh tiếp tục thử nghiệm tại nhiều vùng sinh thái khác nhau (ngọt, lợ, mặn) trên địa bàn tỉnh và thực hiện đồng thời với cây dừa nước. Việc ứng dụng, nhân rộng mô hình cho nhiều nhà vườn và người lao động trong vùng cùng tham gia được anh Hải cụ thể hóa thành một dự án nho nhỏ, vừa sức với tên gọi: Khởi nghiệp với mật hoa dừa. Điều hay là dự án của anh Hải đang ấp ủ, nuôi dưỡng trong đó một khát vọng to lớn hơn cùng với sứ mệnh đặt ra: “Người giữ dừa”.

Anh Tô Chí Hải bên máy cô đặc chân không mật dừa.

Anh Tô Chí Hải bên máy cô đặc chân không mật dừa.

“Hành trang” khởi nghiệp

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Dừa, tuổi thơ anh Hải đã có nhiều may mắn, hạnh phúc và rất đỗi tự hào. Đó là được nuôi lớn, ôm ấp, chở che dưới những tán dừa mát rượi của quê hương; được thưởng thức các món ăn dân dã, quyện chặt hương dừa như: mộng dừa, cơm dừa, mật dừa, các loại bánh, kẹo từ dừa và mật dừa được làm ra từ đôi tay của bà…

Lớn lên, anh Hải có nhiều cơ hội được tìm hiểu, nắm bắt các kiến thức khoa học và các sản phẩm liên quan đến mật dừa. Thực tế, các nghiên cứu khoa học từ Trung tâm Dừa Đồng Gò - Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu (Bộ Công Thương) cũng chứng minh các ưu điểm, công dụng của mật dừa. Nguyên giám đốc Trung tâm Dừa Đồng Gò Nguyễn Thị Thủy - là người nghiên cứu sản xuất rượu mật hoa dừa, rượu vang mật hoa dừa, si-rô mật hoa dừa từ năm 2010. Mật hoa dừa còn có thể dùng để uống tươi như một loại nước ép trái cây hoặc có thể chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao, đường mật, giấm mật, các loại bánh, kẹo…

Theo nghiên cứu của Trung tâm Dừa Đồng Gò Bến Tre, trong thành phần của mật hoa dừa có khoảng 15% đường, nhiều khoáng chất, vitamin. Hầu hết các loại acid-amin được tìm thấy (trong đó có 6 acid-amin thiết yếu), các dưỡng chất này đều rất cần thiết cho cơ thể con người. Riêng đường mật, mật hoa được cô đặc cho đến khi tạo thành đường, cho ra khuôn để nguội thành tán hoặc đánh tơi thành hạt. Đường mật hoa dừa rất giàu dinh dưỡng, có thể sử dụng thay thế cho đường mía để nấu ăn, làm bánh, kẹo…

Còn theo anh Hải thử nghiệm, bình quân 8kg mật thô (mật tươi) khi cô đặc thành 1kg mật thành phẩm, 12kg mật thô cô đặc thành 1kg đường... Đây là những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, phù hợp với xu thế dùng sản phẩm tự nhiên của người tiêu dùng thế giới.

Theo kết quả kiểm nghiệm năm 2022 của Trung tâm Phân tích kỹ thuật cao Sài Gòn (Công ty TNHH Khoa học và công nghệ Sài Gòn) - SaiGonSTC và Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (Tổng cục Đo lường chất lượng), sản phẩm mật hoa dừa có chỉ số đường huyết GI chỉ hơn 42 (được biết mức GI dưới 55 là chỉ số tốt). Đây là con số khẳng định ưu điểm tuyệt vời của đường mật so với các loại đường khác (trong đó có đường mía), phục vụ tốt cho người ăn kiêng, người bệnh tiểu đường.

Đặc biệt, đường sấy thăng hoa (tiếp tục sấy thăng hoa đường mật) có dạng bột, được xem là sản phẩm tinh túy nhất của mật dừa, được xếp vào nhóm sản phẩm dược phẩm dùng phục vụ cho người ăn kiêng, người bệnh tiểu đường. Loại đường này đã được nhiều nước trên thế giới sản xuất, với giá trị kinh tế rất cao. Riêng tại Việt Nam chưa được nghiên cứu sản xuất. 

Mặt khác, theo Trung tâm Dừa Đồng Gò Bến Tre và cùng với kết quả thử nghiệm của anh Tô Chí Hải, việc khai thác mật không gây giảm sức khỏe sinh trưởng và phát triển của cây dừa, ngược lại giúp tái tạo năng suất cây dừa, tàu dừa xanh khỏe, buồng dừa đậu trái sai hơn.

Cùng nhau hợp tác

Thạc sĩ Ngô Hoàng Đại Long - nghiên cứu viên Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại Bến Tre cũng là người con của Bến Tre, anh có rất nhiều tâm huyết đối với sự phát triển, nâng tầm giá trị nông sản quê hương. Với nhiều kiến thức nghiên cứu ngành công nghệ thực phẩm, anh cho rằng mật dừa là sản phẩm có giá trị đã được khai thác ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Ấn Độ, Philippines, Indonesia… với giá cao gấp 10 lần tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, do mật hoa dừa chứa một hàm lượng lớn carbohydrate là đường sucrose (saccharose) từ 14,6 - 16,8%, hàm lượng vitamin C cao 185mg/lít, chứa 9 loại khoáng chất, 12 loại vitamin khác nhau và 14 loại acid-amin (arginine, axit aspartic, serine, proline, alanine, tryptophan, lysine, histidine, threonine, valineg, isoleucine, leucine, phenylalanine, glutamic) nên các sản phẩm phái sinh từ mật có đến hơn 60 sản phẩm khác nhau, như nhóm thực phẩm: rượu, si-rô, nước giải khát, đường, giấm, nước màu... giúp tăng cường chất điện giải tự nhiên, chống mất nước cho cơ thể trong mùa hè oi bức. Về dược phẩm, mật hoa dừa có thể chiết xuất 2 chất quan trọng phục vụ hệ thần kinh trung ương, hệ tim mạch đó là Inositol và Acid Glutamic. Chỉ số GI rất thấp, GI = 35 ± 4, trong khi các loại đường khác rất cao không thể phục vụ cho tim mạch. Đồng thời mật hoa dừa còn hỗ trợ phụ liệu các nhóm hóa phẩm, mỹ phẩm, sinh phẩm… Mật hoa dừa còn có thể lên men, Ấn Độ có 1 loại bia truyền thống lên men từ mật hoa dừa, được dùng để giới thiệu du khách các nơi khi đến đây, khi dùng có thể tái tạo năng lượng, tăng cường sức khỏe cơ thể.

Những người cùng chí hướng gặp gỡ, anh Long và Hải đã gắn kết với nhau trở thành đôi bạn chung khát vọng là nâng tầm giá trị dừa và cùng nhau gìn giữ, phát triển cây dừa Bến Tre bằng sản phẩm đầu tiên là mật dừa. Từ những ngày đầu tiên, Thạc sĩ Ngô Hoàng Đại Long đã đóng vai trò là người cố vấn khoa học tận tâm cho dự án của anh Hải. Anh khẳng định, thách thức lớn nhất đặt ra cho “Người giữ dừa” là mật hoa dừa thô sẽ đi đâu, ai sẽ là người chế biến, ai sẽ đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Cũng là một bạn trẻ yêu quê hương và khởi nghiệp với sản phẩm dừa tại Bến Tre, Đinh Thị Hạnh Tâm - nhà sáng lập sản phẩm Cobote’ là khách hàng đầu tiên của anh Hải. Hiện nay, Hạnh Tâm đang thu mua mật dừa thường xuyên của anh Hải để dùng thay cho đường khi kinh doanh các loại nước giải khát, nước trái cây tươi tự pha chế, tại Khu đô thị Hưng Phú, TP. Bến Tre.

Thực hiện sứ mệnh

Mật dừa được xem như “mỏ vàng” của Bến Tre mà trước nay người dân nơi này đã vô tình đánh rơi. Đây cũng là lợi thế đặc biệt để người trồng dừa từng bước giành lại thế làm chủ, chống lại những thương lái quyết định giá đối với trái dừa thô. “Vấn đề là phải tìm được nhà đầu tư có tầm nhìn, có đồng đội cùng tâm huyết, mục tiêu với “Người giữ dừa”… Chỉ có vậy mới giải quyết được căn cơ với cây dừa là được mùa mất giá, được giá thất mùa, nhất là tình hình giá dừa xuống thấp kéo dài kỷ lục trong suốt nhiều năm nay”, anh Long chia sẻ.

Câu chuyện về cây dừa nói chung và mật dừa nói riêng đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ thêm, cần mở ra nhiều hội thảo mang tính chuyên đề và cũng như việc bức xúc phải “mở khóa” cho những đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến cây dừa hoặc các đề tài đang triển khai còn dang dở phải được quan tâm thực hiện một cách có trách nhiệm, hiệu quả và có sự ứng dụng vào thực tiễn, nhân rộng ra cộng đồng, đầu tư nguồn vốn đúng trọng tâm, trọng điểm.

Trở lại với hiệu quả khởi nghiệp bước đầu của anh Tô Chí Hải, năm 2021, sản phẩm mật hoa dừa của anh được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đồng thời, được Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Bến Tre thuộc Sở Công Thương hỗ trợ tham gia hội chợ, đầu tư máy cô đặc mật dừa, đóng gói… Hải bật mí, hiện anh đang hoàn thiện dây chuyền sản xuất đường dừa. Khi nhà máy khởi động sẽ kích hoạt các thành viên tham gia chuỗi, cũng như các nhà vườn vận hành một cách sôi nổi, mạnh mẽ hơn.

Với công suất khai thác mật dừa thô hiện nay khoảng 1 tấn/ngày. Kỳ vọng sau khi thành lập và phát triển hợp tác xã, Hải sẽ huy động được nhiều người trồng dừa, người lao động trong vùng cùng tham gia, với công suất tối đa có thể đáp ứng các đơn hàng mật dừa có quy mô lớn hơn trong và ngoài nước, đồng thời đủ sức đáp ứng yêu cầu chế biến các sản phẩm đa dạng từ mật dừa để đưa ra thị trường. Với mục tiêu và hướng đi đúng đắn, Hải đang cùng người nông dân thực hiện tốt sứ mệnh của người giữ dừa.

Điểm sáng trong câu chuyện này là chính quyền xã An Khánh, huyện Châu Thành đang rất quan tâm phát triển mô hình thu mật hoa dừa và đang phối hợp vận động người trồng dừa tham gia thành lập hợp tác xã mang tên “Người giữ dừa”, dự kiến sẽ hoàn thiện các thủ tục và ra mắt vào tháng 4-2023. Bước đầu, hợp tác xã vận hành theo cách: ai có vườn dừa sẽ cho thu mật, ai có công lao động sẽ làm thợ thu mật và đơn vị thu mật là anh Tô Chí Hải - Giám đốc Công ty TNHH Mật dừa Bến Tre.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN