Khát vọng vươn lên

28/04/2021 - 06:08

BDK - Chiến thắng 30-4-1975 đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Kế thừa và phát huy tinh thần Chiến thắng 30-4, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang Bến Tre ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt qua mọi thách thức, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo tiền đề để Bến Tre phát triển nhanh và bền vững.

Thi công trụ điện gió Nhà máy điện gió số 5, tại xã Thạnh Hải (Thạnh Phú). Ảnh: Quang Khởi

Thi công trụ điện gió Nhà máy điện gió số 5, tại xã Thạnh Hải (Thạnh Phú). Ảnh: Quang Khởi

Vươn lên phát triển

Theo dòng lịch sử, trong 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre được nhận định là một trong những chiến trường ác liệt; là nơi Mỹ - ngụy thí điểm áp dụng nhiều chiến thuật và thủ đoạn quân sự mới. Cách mạng Bến Tre nói riêng, miền Nam nói chung bị chìm trong biển máu. Sau Nghị quyết số 15 của Trung ương ra đời, với khí thế cách mạng sôi sục, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã triển khai vận dụng sáng tạo và làm nên cuộc Đồng khởi thần kỳ vang dội. Tiếp tục phát huy tinh thần đồng loạt, đồng lòng, liên tục tiến công địch, Đảng bộ, quân và dân Bến Tre đã hưởng ứng tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi quyết định. Chỉ trong 2 ngày 30-4 và 1-5-1975, quân và dân Bến Tre đã tự lực giải phóng toàn tỉnh, góp phần vào thắng lợi chung, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, toàn tỉnh có hơn 70 ngàn người đã tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam. Hơn 35 ngàn người mãi mãi nằm xuống, trên 15 ngàn thương, bệnh binh; gần 20 ngàn người bị bắt bớ, tù đày, tra tấn đến tàn phế; 6.904 Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 30 ngàn người bị nhiễm chất độc da cam…

Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, sau 46 năm giải phóng, từ một tỉnh nghèo, Bến Tre đã cơ bản thoát khỏi sự tụt hậu, vươn lên vị trí phát triển trung bình trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Bộ mặt của thành thị, nông thôn thay đổi rõ nét. Nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch có sự phát triển vượt bậc, theo hướng tăng giá trị. Từ đó làm cho quy mô, giá trị nền kinh tế phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét…

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo nhận định: Kể từ sau giải phóng, kinh tế của tỉnh có sự thay đổi rất lớn. Đời sống nhân dân được nâng cao. Đô thị hóa rất rõ nét. Nhiều vùng nông thôn đã trở thành các khu dân cư tập trung, và đạt đến đô thị loại V… Đó là những minh chứng cụ thể cho sự phát triển của  tỉnh; trong đó, sự đóng góp của nhân dân, vai trò tổ chức và vận động của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể rất quan trọng, thể hiện được truyền thống lâu đời của người Bến Tre là tự lực, tự cường, đoàn kết nhất trí trong tất cả các giai đoạn. Đặc biệt, những thời điểm phải đối mặt với nhiều khó khăn.

“Uống nước nhớ nguồn”

Ghi nhớ công lao của thế hệ đi trước, thế hệ hôm nay không chỉ góp sức, chung tay xây dựng quê hương phát triển mà còn thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Chị Nguyễn Thị Yến - Bí thư Đoàn Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh cho biết, công tác đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, thể hiện tinh thần của tuổi trẻ Đoàn Khối, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân, ghi nhớ công ơn của các thế hệ đi trước, chăm sóc, phụng dưỡng các gia đình có công với cách mạng bằng các việc làm cụ thể, thiết thực trong các dịp lễ, Tết.

Đoàn Khối cũng đã định hướng cho các tổ chức cơ sở đoàn trực thuộc thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa như: đến thăm gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, kết hợp thực hiện các công trình an sinh xã hội. Sắp tới, ngay trong tháng 7-2021, Đoàn Khối đã xây dựng kế hoạch tham gia Chiến dịch Kỳ nghỉ hồng với các công trình như thắp sáng các tuyến đường, thắp sáng các khu nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc cho gia đình chính sách, các hoạt động về nguồn để tạo điều kiện, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên trong Đoàn Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh.

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng được tập trung thực hiện, giải quyết đúng, đủ, kịp thời trợ cấp ưu đãi hàng tháng trên 20,8 ngàn người có công với cách mạng, kinh phí trên 38 tỷ đồng/tháng. Trong quý I-2021, sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như thăm và tặng hơn 70 ngàn suất quà cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, kinh phí trên 22,3 tỷ đồng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

Các nghĩa trang liệt sĩ trong toàn tỉnh đều đảm bảo trang nghiêm, sạch sẽ phục vụ tốt cho các cấp, các ngành và thân nhân đến thắp hương, tưởng niệm liệt sĩ nhân dịp các ngày lễ, Tết. Đồng thời, vận động các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng 67 căn nhà tình nghĩa cho người có công khó khăn về nhà ở, kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng. Trong năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các địa phương tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, trong đó ưu tiên hỗ trợ nhóm hộ nghèo người có công có khả năng thoát nghèo thông qua các hoạt động phát triển sinh kế.

Khát vọng Bến Tre

Mục tiêu đảng bộ và nhân dân tỉnh phấn đấu là đến năm 2025, sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2030 Bến Tre sẽ có nền kinh tế phát triển thuộc tốp 5 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và tốp 30 cả nước. Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 là khát vọng lớn lao của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà với mục tiêu đặt ra là “có nền kinh tế phát triển tiên tiến và theo hướng bền vững, tạo môi trường sống lý tưởng cho người dân”.

Mục tiêu ấy với 4 trụ cột phát triển theo định hướng của Tỉnh ủy là: phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và đô thị. Có 11 nhóm giải pháp đột phá được đưa ra để cụ thể hóa thực hiện những mục tiêu trên. Theo định hướng của Tỉnh ủy, trước mắt là cùng nhau nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để tạo nền tảng, bệ đỡ vững chắc cho những năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh sẽ sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chi tiết khu vực 3 huyện biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Trong nhiệm vụ này, tỉnh sẽ tập trung xây dựng đề án tuyến đường ven biển, hạ tầng kỹ thuật, cảng nước sâu và các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị, du lịch, nông nghiệp; hoàn thành quy hoạch sử dụng đất đến năm 2025 để tạo quỹ đất phát triển.

Từ nhiều nguồn lực, Bến Tre sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng ven biển, kết nối giao thông thông suốt với các huyện trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực, khởi công tuyến động lực ven biển giai đoạn 1, kết nối Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh, kết nối giao thông thông suốt từ TP. Bến Tre đến các khu vực biển…

Khát vọng của Bến Tre có thể đạt được sớm hay muộn, tùy thuộc vào sự chọn lựa hành động của mỗi người từ hôm nay. Phát triển về hướng Đông không thể nôn nóng, duy ý chí. Một hành lang kinh tế trù phú phía Đông chỉ có thể định hình sau nhiều thập kỷ. Nói như nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo: “Nếu hôm nay chần chừ, không hành động thì các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa sẽ trôi qua. Biển sẽ nhấn chìm chúng ta, nếu hôm nay chúng ta chậm trễ xác định tầm nhìn thẳng tiến ra biển”.

Nhóm PV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN