Hai em Trần Bá Phúc, Lê Ngọc Quí vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết tình huống trong thực tế cuộc sống thông qua đề tài “Nâng cao hiệu quả quy trình xử lý khí thải ở làng nghề sản xuất than thiêu kết”. Đề tài đã đạt giải Nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, giải Ba cấp quốc gia năm học 2014-2015 và giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2015.
Phúc (phải) và Quí (trái) thuyết minh đề tài của mình. Đam mê nghiên cứu, sáng tạo
Chúng tôi có dịp trò chuyện với em Trần Bá Phúc (Trường THPT Che Guevara, huyện Mỏ Cày Nam) và Lê Ngọc Quí (Trường THPT Chuyên Bến Tre) là đồng tác giả của đề tài trong ngày tổng kết phát giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng. Niềm vui, sự hồ hởi vẫn còn hiển hiện trên nụ cười và ánh mắt của hai em. Phúc chia sẻ: “Đây là năm thứ hai em tham gia nghiên cứu khoa học và lần đạt giải này với em là niềm hạnh phúc khó tả”.
Phúc và Quí là đôi bạn biết nhau trong những ngày luyện thi tại Trường THPT Chuyên Bến Tre. Khi có ý tưởng, cả hai cùng thực hiện đề tài dưới sự hướng dẫn của cô Ngô Song Đào, giáo viên dạy Sinh học của Trường THCS Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam. Cô Song Đào chia sẻ, khi tham gia cuộc thi, cả thầy và trò đều không nghĩ mình sẽ đạt giải. Nhưng đây là dịp để khuyến khích, động viên các em sáng tạo và là điều kiện cọ xát thực tế, học hỏi thêm kinh nghiệm.
Quá trình sản xuất than thiêu kết có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn đã làm Phúc và Quí nảy ra ý tưởng đề tài. Với đặc điểm địa hình đồng bằng thấp, bao bọc xung quanh bởi sông nước, lượng khí thải ra từ các lò đốt than không khuếch tán lên cao mà bay ở tầm thấp, làm ảnh hưởng đến cây trồng và dân cư xung quanh. Không khí ô nhiễm đã và đang bào mòn sức khỏe của người dân, ảnh hưởng trầm trọng sự phát triển của thực vật quanh khu vực làng nghề. Các cơ sở sản xuất than thiêu kết gây ô nhiễm trường vì nước làm nguội than, nước rửa khí thải thẳng ra môi trường mà không qua xử lý.
Khả năng ứng dụng cao
Về phương pháp thực hành, đầu tiên, pha dung dịch soda (Na2CO3) cho vào phuy chứa, sau đó cho máy bơm tuần hoàn lên bể rửa khí (bể rửa khí dạng hình ống đứng). Khí thải phát sinh từ lò đốt, được dẫn qua bể rửa khí bằng nước soda, trước khi đưa vào ống khói thải. Khí thải từ lò đốt than thiêu kết bao gồm: CO, hơi hắc ín, NOx, SO2, CO2 được nước soda hấp thụ. Nước soda sau quá trình hấp thụ khí, không có chất kết tủa, không độc hại, được đưa qua bể lắng để lắng cặn, làm nguội. Nước thải làm nguội than sau khi đốt và nước soda sau khi hấp thụ khí được dẫn đến bể lọc (trong bể từ trên xuống có các lớp như bông gòn, than hoạt tính, sỏi) lọc trước khi thải ra môi trường. Khí, nước thải sau khi qua xử lý sạch hơn, đáp ứng vượt trội so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bụi và khí thải.
Trao đổi với chúng tôi về lợi ích, nhóm tác giả cho biết: Đề tài sẽ hạn chế được một số bệnh hô hấp liên quan đến khí, chất thải của lò đốt than thiêu kết; giảm sự ảnh hưởng của chất thải, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường; kiểm soát được ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất than thiêu kết từ gáo dừa, góp phần tái tạo lại vẻ mỹ quan cho làng quê xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, đề tài còn có giá trị kinh tế bởi giá thành xử lý rẻ (60 ngàn đồng/tấn sản phẩm). Nếu áp dụng mô hình này, sẽ hạn chế được ô nhiễm môi trường, làng nghề được duy trì và phát triển, tạo việc làm cho người dân. Bên cạnh đó, còn góp phần tăng giá trị của dừa, nông sản chủ yếu của nông dân tỉnh nhà.
Đây là đề tài có khả năng ứng dụng cao. Mọi người làm nghề đốt than thiêu kết đều có thể áp dụng vì đơn giản, ít tốn kém, soda rất dễ mua, giá thành rẻ, hiệu quả xử lý cao. “Cái hay của đề tài là em đã áp dụng kiến thức được học vào đề tài, đem lại lợi ích cho mọi người, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường” - Bá Phúc nói.