Khi ngư dân về ăn Tết

11/02/2015 - 07:55
Một ngư dân phấn khởi khi cân cá tại cảng Bình Thắng sau chuyến cuối năm.

Đến nay, hầu hết ngư dân đánh bắt xa bờ đã đoàn tụ gia đình để đón Tết sau những tháng ròng lênh đênh trên biển. Do cuối năm giá dầu giảm mạnh, mỗi chuyến tàu tiết kiệm chi phí hơn trăm triệu đồng nên các tàu đánh cá đều có lãi khá. Ngư dân không còn cảnh “gồng mình đón Tết” như các năm trước.

Hết “kẹt” rồi!

Khoảng hơn 2 giờ chiều, trong căn nhà cấp 4 sáng màu sơn mới, anh Bùi Văn Mỹ (48 tuổi, xã An Điền, Thạnh Phú) cho biết: “Chuyến vừa rồi phấn khởi lắm, bởi 3 cha con tôi kiếm cũng bộn bạc, đủ mang về làm xong phần lát nền, sơn phết mấy chỗ còn dang dở do lúc làm nhà chưa đủ tiền. Phần còn lại, cha con tôi vui Tết với xóm giềng, chứ quần quật quanh năm dưới biển cực lắm”.

Trong khi đó, gia đình nhỏ của anh Nguyễn Văn Phong (28 tuổi, xã An Thủy, Ba Tri) thì đón Tết khiêm tốn hơn. Theo anh Phong, lúc còn là ngư dân “độc thân vui tính”, mỗi khi lên bờ cũng chơi chẳng bỏ sót môn nào. Đi biển, đâu có thời gian mà ngủ, nhiều lúc ngủ gục ở chỗ lựa cá. Đến khi lấy vợ, sinh con, rồi công việc gia đình càng nặng thêm nên cũng không có thời gian vui chơi như trước. Dù chỉ mình anh làm là vợ con có thể sống khỏe, nhưng phải biết “ăn xưa chừa nay”, không thì lúc đau bệnh biết nương tựa vào đâu.  Ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch UBND xã Bình Thắng cho biết: Gần 2 ngàn tàu cá trên địa bàn xã đã cặp cảng an toàn và có lãi khá sau chuyến đi biển cuối năm.

“Sóng biển bạc đầu, ngư dân bạc phận”

Tuy sau chuyến cuối năm, mỗi người về nhà ít nhất cũng được chia khoảng 20 triệu đồng nhưng do còn hoang phí trong tiêu xài nên hiện nay nhiều bạn ghe đã quay lại chủ mượn thêm tiền gối đầu chuyến sau Tết. “Đâu chỉ Tết, ngày thường họ cũng sôi nổi và sung túc trước mắt mọi người. Phần lớn họ đều vướng víu nợ nần với chủ ghe, chủ quán, vì sự “chịu chơi” của dân biển, tàu cặp cảng chẳng bao lâu là họ lại hết tiền xài” - ông Tô Hoàng Lam, chủ 2 cặp càu đôi ở Tân Thủy, Ba Tri nói.

Còn anh Trần Văn Diệp, 34 tuổi, chủ ghe lưới ở xã An Thủy (Ba Tri) cho hay: “Vài năm gần đây, tiền dầu đắt đỏ, nếu không có cào đôi đi đánh bắt xa bờ là thua! Dù trong túi không có tiền cũng phải chạy vay chủ vựa, hoặc có khi vay cho bạn ghe mượn chứ nếu không làm điều đó thì sau Tết họ sẽ không phụ ghe của mình. Mới hôm qua, tôi phải “chuộc” 3 thằng “lính” 10 triệu đồng trong một quán nhậu ở thị trấn Ba Tri, rồi còn phải cho mượn thêm mỗi người 5 triệu đồng để ăn Tết. Từ nay đến Tết, họ sẽ còn mượn thêm 2, 3 lần nữa”.

Cuộc sống của người đi biển, dưới cái nhìn của mọi người luôn rủng rỉnh, thậm chí là dư dả. Vì sau mỗi chuyến ra khơi (từ 45 - 60 ngày), mỗi thuyền viên thường được chia trên 15 triệu đồng. Cũng có thể vì dễ kiếm đồng tiền nên khi lên bờ thì họ tha hồ phung phí, để rồi sau Tết, họ phải chịu cảnh nợ nần. Khi bắt đầu mùa gió Nam sau Tết, trong khi chủ tàu phấn khởi vươn khơi thì bạn ghe luôn buồn rầu rời bến. Bởi sau chuyến đi, số tiền chia chác lại nhiều khi chưa đủ trả nợ. Cũng vì thế, nhiều bạn ghe đi nhiều năm liền vẫn không thoát khỏi cảnh nợ nần. Kiểu nói ví von “sóng biển bạc đầu, ngư dân bạc phận” đã trở thành câu “cửa miệng” xưa nay của ngư dân là vậy.

Về chủ ghe, nếu có vốn đóng cào đôi đi xa bờ, mỗi chuyến kiếm gần tỷ bạc thì khỏe, còn những ghe gần bờ như đánh lưới, cào nhỏ, câu mực… thì Tết ai cũng chịu nhiều sức ép lắm: chăm lo đời sống, thăm hỏi để giữ thuyền viên; tu sửa tàu, lưới; thanh toán tiền dầu cho đại lý, tiền nợ chủ vựa. Vì từ lâu, những phương tiện đánh bắt công suất nhỏ gần bờ gặp rất nhiều khó khăn” - ông Trần Văn Nghé - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tân Thủy, huyện Ba Tri cho biết.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN