Du khách trải nghiệm gói bánh tét tại một điểm đến của người dân ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Tô Hân
Dấn thân làm du lịch
“… Mười rặt nông dân, Mười mới học lớp 7, lớp 8 nên đâu biết làm du lịch là cái gì, bắt đầu từ đâu. Mười khởi sự làm du lịch từ năm 2011 vì thương con gái Mười mê ngành du lịch mà bệnh, đường học dang dở…” - nông dân Huỳnh Văn Mười, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre - chủ điểm du lịch Mười Nở kể về cơ duyên dấn thân vào làm du lịch.
Ông Mười tận dụng khu vườn cây ăn trái gần 1 mẫu đất, trong đó nhiều nhất là bưởi da xanh để tạo điểm cho khách tham quan. Vợ chồng ông nấu cho khách ăn và cho khách ngủ trong ngôi nhà làm toàn bằng gỗ dừa, mây tre lá. Mười nói, khách thích vườn cây, ao cá. Khách thú vị khi được thưởng thức những món ăn thật đời thường do vợ chồng Mười nấu. Khi về, họ cũng thích mua các loại trái cây trong vườn của mình làm quà. Khi đó, Mười bán được trái cây tận gốc.
Mười nhớ hạn mặn năm 2016, Mười cũng như hàng trăm, hàng ngàn nông dân khác thất mùa nghiêm trọng nhưng Mười không lo lắm, chăm sóc từ từ cây sẽ phục hồi. Mười làm du lịch là chính. Bởi vì, huê lợi từ nông nghiệp chỉ một nhưng du lịch thì tới mười. Mười không bón phân hóa học, không xịt thuốc trừ sâu mà chủ yếu là bao trái, bón phân hữu cơ cho bưởi. Vậy mà khách nào cũng mê…
Câu chuyện khởi sự đầy bỡ ngỡ hồi ấy đến nay đã mươi năm, nhưng giờ nhắc lại, ông Mười vẫn không kiềm nén được nước mắt. Tình yêu thương con vô bờ bến của người cha đã thôi thúc ông quyết định dấn thân làm du lịch khi chưa biết gì về nó. Ông bắt nhịp đam mê, khát vọng của con gái và thắp sáng lên ngọn lửa cho con mà vẫn tưởng ước mơ đã gãy đổ theo căn bệnh động kinh khi con gái đang theo học đại học.
Ngồi dưới mái nhà đơn sơ làm bằng gỗ dừa, lợp lá dừa, xung quanh là bưởi trĩu trái, xa xa là những lối đi vào sâu hút đến cuối vườn, nghe Mười kể cách đây gần chục năm có một nông dân, và là một trong những nông dân đầu tiên ở xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre mở điểm đón khách Tây tại nhà là một điều thật sự làm tôi thán phục. Còn Mười thì: “Nhớ lại còn thấy ớn luôn. Không biết gì ngoại ngữ mà dám đón khách hết Pháp, Mỹ tới Úc, Hà Lan, Trung Quốc… Không biết sao hồi đó có gan làm được vậy”.
Mười chia sẻ, cái thương hiệu du lịch Mười Nở cũng là do khách gọi riết quen rồi đặt tên cho ông. Các thủ tục, thuế vụ… Mười cũng rành rọt tất tần tật. Có tháng điểm du lịch Mười Nở đón cả ngàn khách trong nước và quốc tế, trong đó có khách đến tham quan ăn trưa rồi đi các điểm khác, có khách ở lại ngủ, đêm nghe Mười kể chuyện văn hóa, tập tục của người bản xứ.
Khách chiên bánh xèo tại điểm du lịch Cocoland Homestay. Ảnh: Cẩm Trúc
Du lịch nông nghiệp nở rộ
Cô Sáu - chủ lò kẹo dừa Thanh Thanh, xã Nhơn Thạnh là một trong những người khởi nghiệp với du lịch khá thành công mặc dù khi ở tuổi về hưu. Xuất thân là giáo viên dạy tiếng Anh ở huyện Châu Thành, cô Sáu thuê mảnh đất trong vườn dừa của người dân ở xã Nhơn Thạnh để mở điểm đón khách. Ở đây, cô Sáu cho trình diễn từ khâu lột dừa đến quy trình nấu kẹo, gói kẹo thủ công đến hàng trăm sản phẩm từ dừa như thủ công mỹ nghệ dừa, bánh kẹo, mỹ phẩm từ dừa. Ngoài ra, những cô chú đam mê đờn ca tài tử hay có khiếu ca hát trong xóm, ấp đều có thể tham gia biểu diễn, phục vụ du khách để kiếm thêm thu nhập tại điểm này.
Doanh thu từ bán sản phẩm trên 40 triệu đồng/tháng, cô Sáu có thể trả công lao động, tiền thuê đất vườn dừa và tích lũy. Cũng theo cô Sáu, mặc dù cho thuê vườn dừa nhưng chủ vườn vẫn thu hoạch dừa đều đặn. Hoạt động du lịch là góp phần tăng thêm nguồn thu cho nhà vườn. Việc quảng bá các giá trị từ các sản phẩm dừa cũng góp phần tăng giá trị cho cây dừa.
Hay với vợ chồng chị Quân và anh Hạnh, chủ du lịch Cocoland Homestay, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành cũng đến với du lịch khá tình cờ. Chị Quân cho biết, mặc dù sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh từ nhỏ nhưng là người con của Bến Tre nên chị luôn nuôi dưỡng tình yêu của mình đối với quê hương Bến Tre. Chọn được mạnh đất khá ưng ý ở xã Thành Triệu, vợ chồng chị “quy hoạch” trồng cây, rau và hoa, anh chị còn xây thêm 1 hồ bơi đạt chuẩn để hưởng thụ cuộc sống bình yên. Cuối năm 2018, phát hiện khu vực của mình cũng đã nhen nhóm nhiều mô hình làm du lịch, cùng với sẵn có niềm đam mê, yêu thích du lịch, anh chị đã tìm hiểu cách làm du lịch với loại hình homestay và tập trung vào đối tượng khách nước ngoài. Thú vị nhất với anh chị là các đoàn khách dù Hà Lan, Pháp, Anh… họ cũng đều rất thân thiện, họ cùng ăn, cùng ở, cùng trồng cây, đi chợ và hái rau, nấu ăn với vợ chồng chị.
Chính sự tự tin, bản lĩnh, dám bứt phá của những người như anh chị là yếu tố nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển du lịch. Nhiều nông dân vườn dừa, vườn cây trái, hoa kiểng hay nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (như HTX nông nghiệp Thạnh Phong, HTX nông nghiệp Định Thủy, HTX du lịch - nông nghiệp Bến Tre, HTX bưởi da xanh Giồng Trôm…) đã và đang tiếp cận phát triển du lịch trên nền tảng sản xuất nông nghiệp.
Bến Tre đang bắt đầu lôi kéo bất kể ai nếu muốn du lịch trải nghiệm, khám phá. Không có gì là không thể khi những câu chuyện về làm du lịch tương tự như của ông Mười Nở đang lan tỏa, nở rộ khắp các miệt vườn. Một Bến Tre nhưng muốn kéo cả thế giới về trong đó là khát vọng có thật đang cháy bỏng khi hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân nơi đây đều chung tay cùng nông dân làm du lịch. |
Cẩm Trúc