Khi nữ thanh niên xung phong trở về

25/01/2014 - 15:23

Cô Vân với công việc đốn, chằm lá mướn. Ảnh: Phan Hân

Cô Ngô Thị Hồng Vân, sinh năm 1952, ngụ ấp Tân Quới 1, xã Phước Hiệp (Mỏ Cày Nam) là tấm gương sáng về hình ảnh thanh niên xung phong ngày ấy - bây giờ.

Sinh ra trong gia đình có 4 anh em, các anh lần lượt vào bộ đội, người hy sinh, người thương tật. Năm 1967, cô bé Vân tròn 14 tuổi, đã tình nguyện làm đơn tham gia thanh niên xung phong thay anh trai. Cô nhớ lại, hồi ấy, mình còn trẻ hăng lắm, không sợ bom đạn là gì, được đi theo các chiến sĩ làm nhiệm vụ mừng hát reo như được quà. Lúc bấy giờ cô Vân tham gia quân y ở C1 Tiểu đoàn 1 (huyện Giồng Trôm). Được giao nhiệm vụ hậu cần, chăm lo săn sóc cho các chiến sĩ bị thương.

Ngoài thời gian theo chân bảo vệ sức khỏe chiến sĩ, cô Vân hăng say với nhiệm vụ tải đạn ở pháo 75. Cô xem đó là niềm vui vì có thể thay anh hoàn thành nghĩa vụ với quê hương và sống trọn với mơ ước được tham gia chiến đấu. Đến năm 1969, trong lần làm nhiệm vụ, không may cô bị thương và mắt phải của cô vĩnh viễn không còn nữa. Dù chỉ còn lại một mắt nhưng cô vẫn nhanh nhạy trong công việc, cô tiếp tục ở lại đơn vị phục vụ cho các chiến sĩ. Đến năm 1973, cô trở về Phước Hiệp và tham gia du kích tại địa phương. Từ năm 1975, cô giữ chức vụ Xã đội phó. Năm 1986, cô nghỉ, về lập gia đình.

Cùng là những người trở về chiến trường, cô và người chồng gặp nhau sau ngày giải phóng. Qua giới thiệu quen biết, cuộc hôn nhân được đánh dấu và hai đứa con gái lần lượt chào đời khẳng định tình yêu của hai người. Cuộc sống dẫu vất vả nhưng gia đình hạnh phúc.

Cô kể lại, lúc đó ruộng làm không được mùa, phần chim ăn, sâu hại đến lúc thu hoạch không đủ gạo ăn trong một năm. Cô phải làm thuê đủ việc từ đốn mía đến gặt lúa, giúp việc nhà… miễn có tiền lo hai con ăn học. Cứ tưởng hạnh phúc sẽ vẹn nguyên sau những gì mát mất thời chiến, nhưng cái nghèo đeo đuổi, người bạn đời không thấu hiểu, không chịu nổi cảnh khó khăn đã dứt áo ra đi. Cô Vân phải một mình nuôi con khi bên cạnh không có một bờ vai để nương tựa…

Gia đình cô Vân có tên trong danh sách hộ nghèo của xã hơn 5 năm. Đến năm 2009, cô Vân quyết định làm đơn xin thoát nghèo trong khi tài sản của cô chỉ có một chiếc ghe ba lá nhỏ với nghề chằm lá. Cô nói phải tự vươn lên phấn đấu, còn đôi tay là ta còn tất cả, vả lại còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Từ suy nghĩ đó, cô đã nhận được sự ủng hộ của địa phương và trở thành gương sáng của xã. Năm 2010, được quan tâm của chính quyền địa phương, căn nhà nghĩa tình đồng đội được xây cất khang trang trên nền đất cũ. Cô tâm sự, được lãnh đạo cho xây căn nhà mừng lắm, từ đó có thêm động lực phấn đấu chăm lo phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện phục vụ bà con trong xã. Cô từng giữ các chức vụ tổ phó tổ nhân dân tự quản, chi hội phó chi hội phụ nữ, thành viên hội cựu chiến binh, hội TNXP. Dù ở công việc nào cô vẫn làm tốt nhiệm vụ và nhận được sự ủng hộ cao từ bà con.

Hiện, hai người con gái của cô Vân đã có công ăn việc làm ổn định. Dẫu được các con chu cấp phụng dưỡng nhưng cô Vân vẫn ngày ngày làm công việc quen thuộc. Mỗi ngày, cô thu về khoảng 50 ngàn đồng từ nghề chằm lá, hôm nào sức khỏe tốt lốt thêm lá dừa kiếm thêm 5 -10 ngàn. Đó là niềm vui và tinh thần tự vươn lên bằng sức mình như lời tâm sự của cô.

Ông Trần Đại Phước - Trưởng ấp Tân Quới 1 cho biết: Cô Vân là người có ý thức vươn lên rất cao, tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, hăng hái đóng góp ý kiến cùng địa phương phát triển ấp, xã. Bản thân cô đã vượt qua hoàn cảnh lập nghiệp nuôi hai con. Việc làm đơn thoát nghèo của cô đã dấy lên phong trào ở địa phương, sau đó có 4 lá đơn xin được thoát nghèo như cô.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN