Khi phụ nữ làm thợ hồ

04/12/2012 - 15:06

Thợ hồ - một nghề từ lâu luôn được xã hội cho là cực nhọc trong muôn vàn nghề cực nhọc, tưởng chừng như chỉ dành riêng cho nam giới nhưng trên các công trình vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng của không ít phụ nữ. 

Vì sao họ “lấn sân”

Không có tay nghề, không vốn, không đất sản xuất, trình độ học vấn lại thấp nên những người phụ nữ ấy phải tự kiếm cho mình một công việc để nuôi sống bản thân và lo cho gia đình. Công việc họ chọn là làm thợ hồ ở các công trình xây dựng vì đây là một công việc chỉ cần có sức khỏe, thu nhập cũng tàm tạm so với một số nghề khác. Đó là lời chia sẻ chân tình của chị Đinh Thị Hồng Chiến - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hữu Định (Châu Thành) khi được chúng tôi hỏi về hoàn cảnh của những chị em làm nghề thợ hồ.

Một ấp có nhiều nữ làm thợ hồ

Theo như lời kể của chị Hà - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Phú Hữu (xã Hữu Định) hiện tại ấp có trên 20 phụ nữ sống bằng nghề làm hồ. Hầu hết các chị có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đều nằm trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã. Chị Lê Thị Thật (sinh năm 1960), gia đình không có đất, chỗ ở của chị bây giờ cũng là ở đậu trên đất của một người quen. Chị đang sống với một đứa con gái học lớp 7. Chị làm thợ hồ cũng đã được 3, 4 năm nay, hiện đang làm cho một công ty xây dựng Tiền Giang đang thi công tại TP. Bến Tre. Mỗi ngày chị kiếm được khoảng 80-120 ngàn đồng, công việc phải làm suốt, mưa gió vẫn không được nghỉ, thỉnh thoảng mới được nghỉ ngày chủ nhật. Chỗ chị đang làm hiện cũng có đến 15, 16 chị đang làm công việc này. Cùng chung ấp với chị Thật còn có nhiều chị khác, như chị Bùi Thị Kim Thông (sinh năm 1964), hoàn cảnh cũng rất đáng thương. Trước kia, chị phụ chạy xe cùng chồng chở đồ thuê nhưng sau này chồng chị bị bệnh, chi phí lái xe không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày, có hai con nhỏ đang tuổi đi học nên mặc dù bị té chấn thương ở phần hông sườn, chị vẫn cố gắng đi làm hồ đều đặn.

Công việc khá bấp bênh và đầy nguy hiểm

“Nói là làm thợ hồ chứ thật ra công trình cần gì thì mình làm nấy, chủ yếu là phụ hồ …” - chị Phan Thị Thanh Trúc (sinh năm 1965), cư ngụ ở ấp Phú Hữu chia sẻ. Khi thì trộn hồ, khi thì vác xi-măng, lúc ôm gạch, lúc trèo chót vót trên cao… Với vóc người nhỏ nhắn nhưng chị đã có hơn 10 năm trong nghề. Tuy vất vả nhưng khi được hỏi tại sao không đổi nghề, chị tươi cười bảo: “Công việc này giúp tôi hàng ngày thu nhập kha khá, bây giờ mà nghỉ, thì tôi không biết phải làm gì nữa, trong khi ở nhà đang có một bà mẹ già, chồng bệnh và hai đứa cháu nội còn rất nhỏ. Đồng hoàn cảnh khó khăn với chị Trúc, còn có nhiều chị em khác như chị Lâm Thị Cúc (sinh năm 1968) chia tay với chồng, không có đất sản xuất, phải một mình nuôi con. Chị tâm sự: “Làm những nghề khác thì phải đợi đến cuối tháng mới có tiền, còn làm hồ chỉ vài hôm là được lĩnh tiền, có đồng ra đồng vào để lo cho đứa con đi học”. Ngoài nặng nhọc, thợ hồ còn là nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sức khỏe và số phận của nhiều phụ nữ. Không phải lúc nào cũng có việc vì chủ thầu thường di chuyển công trình ở những địa điểm khác nhau và xa nhà nên các chị phải thường xuyên tìm kiếm công việc mới, chủ thầu mới. Đôi lúc vì làm ăn thua lỗ, nhiều chủ thầu không trả tiền lương cho thợ. Các chị cũng đành phải bỏ công không.

Người lao động vẫn chưa được hưởng quyền lợi tối thiểu

Vì chủ yếu là người nghèo nên họ thường chấp nhận làm công nhật cho các công trình xây dựng mà không đòi hỏi những quyền lợi gì khác ngoài tiền lương. Các chủ thầu xây dựng phần lớn không ký hợp đồng lao động với người lao động, không kèm theo quyền lợi gì khác cho người lao động. Khi được hỏi về chế độ của người lao động, một số chị làm ở công ty xây dựng cho biết là có được bảo hiểm tai nạn nhưng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế thì không thấy, một số khác đều lắc đầu. Chị Nguyễn Thị Se ngậm ngùi cho biết: “Lễ, Tết còn không được một đồng tiền thưởng nữa thì lấy đâu ra bảo hiểm”. 

Lời kết

 “Làm ngày nào thì ăn ngày đó chứ biết sao?”. Đó là lời tâm sự rất đỗi chân tình của đa số chị em phụ nữ làm nghề thợ hồ mà chúng tôi tiếp xúc. Tuy nhiên, trong những vất vả, hiểm nguy, chị em vẫn quyết tâm chọn cách sống bằng chính sức lao động của mình. Qua đây, mong cơ quan chức năng có thể có những chính sách hỗ trợ chị em này học thêm một nghề khác, để khi tuổi cao, sức khỏe suy giảm vẫn có thể mưu sinh.

Hiền Nhân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN