Khi vai trò của người dân được phát huy

29/05/2012 - 17:09

Xã Tân Phú (Châu Thành) có 4 công trình xây dựng cơ bản sử dụng quỹ đầu tư cấp xã (CIF) và cả 4 công trình đều được thi công theo hình thức tự thực hiện, với sự giám sát chặt chẽ của giám sát độc lập và giám sát cộng đồng.

Ông Võ Hoàng Bá - Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban Phát triển xã cho biết, dân là người lựa chọn công trình. Quá trình thi công, từ thiết kế, quy mô, cách thức thực hiện… đều được công khai cho dân biết, dân bàn nên bà con rất đồng tình. 4 công trình với tổng vốn trên 1,7 tỷ đồng thì phần nhân dân đóng góp gần 354 triệu đồng (chủ yếu là đất đai, hoa màu). Không chỉ vậy, nhiều tuyến đường được dân tiếp tục góp tiền để kéo dài thêm, như đường ấp Mỹ Phú được dự án đầu tư 450m, dân tự đóng góp làm thêm 1.000m nữa; đường ấp Tân Qui, từ 960m của dự án, dân kéo thêm 1.000m...

Các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng từ vốn CIF cùng với các công trình khác của địa phương đã tạo được thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống cho người dân trong vùng. Các hộ hoạt động sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn xã năm 2009 có 562 hộ, đến năm 2011 có 634 hộ, tăng 72 hộ. Số hộ tăng lên có phần do tác động của việc đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mở rộng kinh doanh mua bán. “Không phải chỉ với công trình hạ tầng, mà nhiều lĩnh vực khác, hoạt động của dự án như “vốn mồi” để Tân Phú mở rộng đầu tư, phát triển” - ông Võ Hoàng Bá đã nói về Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP Bến Tre) như vậy.

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), vai trò của dân được thể hiện qua việc xây dựng kế hoạch KT-XH theo phương pháp có sự tham gia và định hướng thị trường. Từ năm 2010 đến nay, Tân Phú đã tổ chức 21 cuộc họp cộng đồng, có 489 người tham gia, trong đó có 96 người nghèo và 157 phụ nữ. Theo ông Võ Hoàng Bá, việc xây dựng kế hoạch KT-XH theo phương pháp mới đã phát huy được tính dân chủ trong nhân dân, các chỉ tiêu kế hoạch đều được nhân dân thảo luận và đề xuất nên kế hoạch mang tính khả thi cao. Không còn những kế hoạch chung chung mà thay vào đó là những công trình, những phần việc cụ thể và đặc biệt là có sự tham gia góp ý của người dân, của đoàn thể nên việc triển khai thực hiện rất thuận lợn. Qua 2 năm, 2010 và 2011, các chỉ tiêu KT-XH hàng năm thực hiện đều đạt và vượt kế hoạch.

Vai trò của người dân ở xã Tân Phú còn được thể hiện qua các nhóm hợp tác sản xuất. Hiện xã có 34 tổ nhóm, trong đó có 4 nhóm mới thành lập. Bước đầu các nhóm đã tập hợp được số hộ tham gia sinh hoạt và có ý thức sản xuất tập thể và định hướng thị trường. Tân Phú cũng là xã có nhóm hợp tác đầu tiên được Ban Quản lý Dự án DBRP Bến Tre chọn đầu tư thiết bị (máy may) theo mô hình hợp tác công tư. Theo lãnh đạo Ban, đây là hình thức hợp tác được IFAD khuyến khích và nếu tổ may này thành công sẽ mở rộng thêm các tổ, nhóm khác. Đồng thời với việc thành lập tổ nhóm, nhiều hộ cũng được tạo điều kiện vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, xã có 52 hộ tiếp cận nguồn vốn Dự án, thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với số tiền 851 triệu đồng. Theo Văn Phòng Dự án huyện Châu Thành, các hộ vay chủ yếu sản xuất nông nghiệp và mua bán nhỏ lẻ. Qua thẩm tra, các hộ sử dụng đồng vốn đúng mục đích và đem lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình.

Trên 3.440 bản tin về lao động việc làm, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi là những thông tin được cung cấp thông qua các tổ nhóm, tổ nhân dân tự quản mà Dự án đã cung cấp từ khi Tân Phú tham gia Dự án. Theo các hộ dân ở đây, thông tin đã phần nào giúp họ mạnh dạn hơn khi áp dụng vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất trên cùng diện tích.

Vấn đề quan trọng khi tham gia Dự án DBRP là xã biết khai thác, vận dụng để tập hợp người dân cùng xây dựng chính quyền, đẩy mạnh phát triển KT-XH. Ở đó, người dân đã học được cách tự làm chủ, tự quản lý cách thức làm ăn của cá nhân, của tập thể cũng như quản lý các công trình, các hoạt động cộng đồng ngay tại xã, ấp mình. “Còn với những người quản lý, chỉ riêng với việc xây dựng công trình hạ tầng, đây là lần đầu tiên UBND xã làm chủ đầu tư công trình hạ tầng. Qua đó, giúp chúng tôi biết rõ hơn về quy trình, đặc biệt là các thủ tục đấu thầu, kiểm soát, thẩm định… Các lớp tập huấn và các hoạt động thực tế đã giúp năng lực của cán bộ được nâng lên” – ông Võ Hoàng Bá cho biết.

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN