|
Chăm sóc vụ lúa Đông Xuân 2013. |
Trong những ngày qua, triều cường kết hợp gió chướng thổi mạnh đã đẩy mức độ xâm nhập mặn vào sâu nội đồng. Tại huyện Ba Tri, độ mặn 0,7%o đã vào nội đồng, huyện Giồng Trôm độ mặn 0,8%o. Theo Kỹ sư Trần Vũ Thanh - cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, độ mặn 1%o trở lên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa.
Qua theo dõi đồng ruộng, ông Thanh cho biết, còn khoảng một háng nữa là lúa trổ đồng - rất quan trọng để quyết định đến năng suất sau này. Bà con nên thăm đồng thường xuyên để kịp thời bón phân rước đồng, bón dặm lần hai để lúa trổ đồng loạt, trổ nhanh. Đối với các thửa ruộng trũng, bà con nên giữ mực nước ổn định, xem lại các bờ ruộng, cửa lấy nước để kịp thời ngăn mặn. Đối với các thửa ruộng gò cao, bà con nên lấy nước trữ trước khi mặn xâm nhập. Trong giai đoạn này, có thể bón thêm vôi, lân, DAP nhằm giúp cho rễ lúa phát triển mạnh để sau này nếu nước có mặn, bà con cắt nước, lúa vẫn phát triển bình thường.
Theo chị Ven - Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ba Tri, trong những ngày qua, gió chướng thổi mạnh tạo sự va đập lớn, làm lá đòng đòng lúa bị tổn thương, hiện tượng khô đầu lá, cháy bìa lá đòng đòng lúa diễn ra trên diện rộng. Lúa đang trổ đòng rất khó thụ phấn. Ngoài ra, tình hình khô hạn cũng đang đe dọa cánh đồng lúa Đồng Gò (Giồng Trôm) và một số xã ở huyện Ba Tri…
Vụ lúa Đông Xuân 2013, huyện Ba Tri gieo sạ gần 13.000ha, huyện Giồng Trôm gần 4.000ha. Đây là hai địa phương có diện tích lúa lớn nhất tỉnh.