226 cán bộ, giáo viên tập huấn văn hóa giao thông cấp tiểu học

31/03/2018 - 19:25

BDK.VN - Sáng 31-3-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức tập huấn chuyên đề Văn hóa giao thông cấp tiểu học và tăng cường năng lực dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán theo mô hình trường học mới (VNEN).

Tiến sĩ Trần Văn Thắng (bìa phải), Tiến sĩ Xuân Thị Nguyệt Hà (bìa trái) tham gia báo cáo tại lớp tập huấn. Ảnh: Phan Hân

Tiến sĩ Trần Văn Thắng (bìa phải), Tiến sĩ Xuân Thị Nguyệt Hà (bìa trái) tham gia báo cáo tại lớp tập huấn. Ảnh: Phan Hân

Có 226 đại biểu là lãnh đạo phòng GD&ĐT, ban giám hiệu các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tham dự.

Tiến sĩ Trần Văn Thắng -  nguyên Trưởng ban Xuất bản giáo dục Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trình bày hiện trạng văn hóa giao thông hiện nay. Đồng thời, định hướng giáo viên giảng dạy tích hợp văn hóa giao thông trong các môn học có liên quan và trong các hoạt động giáo dục ngoại khóa.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Thắng, giáo dục văn hóa giao thông cho học sinh tiểu học là giáo dục lâu dài không phải chỉ 1 hay 2 tiết học trên lớp mà có thể kéo dài cả năm học. Nội dung giáo dục phải đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ và tạo tính chủ động, sáng tạo cho học sinh. Giáo viên cần dạy cho học sinh về thái độ, hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; các lỗi vi phạm thường mắc phải cùng những nguy cơ tai nạn, nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông.

Tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Xuân Thị Nguyệt Hà - Chuyên viên vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT đã đánh giá lại những mặt được và tồn tại trong thực hiện mô hình VNEN trên toàn quốc. Thời gian qua, cán bộ quản lý một số nơi hiểu chưa đúng và chưa sâu về chuyên môn. Giáo viên đứng lớp áp dụng phương pháp tích hợp các môn học và nhiều nội dung trong một môn còn cứng nhắc, giáo viên chưa thay đổi.

 Đối với những địa phương, cơ sở giáo dục tiểu học đáp ứng tốt các điều kiện đảm bảo đã triển khai hiệu quả phương thức dạy học theo mô hình VNEN đã tạo được không khí dân chủ trong các hoạt động giáo dục; tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa học sinh - học sinh, học sinh - giáo viên, giữa giáo viên - nhà trường - phụ huynh học sinh và cộng đồng. Học sinh chủ động tự tin và bước đầu đã biết cách tự học, tiến bộ hơn trong giao tiếp…

Tuy nhiên, một số trường chưa chuẩn bị tốt các điều kiện trường lớp, giáo viên chưa thật sự sẵn sàng làm ảnh hưởng kết quả học tập. Công tác truyền thông chưa tốt. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho phụ huynh học sinh và dư luận xã hội chưa nhận thức đầy đủ về mô hình VNEN.

Tiến sĩ  Xuân Thị Nguyệt Hà cho rằng, mô hình VNEN là một trong những bước đi có tính định hướng giáo dục, là bước chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Mỗi giáo viên chủ động thay đổi phương pháp dạy. Từ đó giúp học sinh đổi mới phương pháp học hướng đến phát triển năng lực học sinh.

Phát biểu lại buổi tập huấn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lê Văn Chín hy vọng với những trao đổi chia sẻ của báo cáo viên, cán bộ, giáo viên các trường vận dụng triển khai cho phù hợp với đơn vị mình, góp phần thực hiện giáo dục văn hóa giao thông trong học sinh tiểu học, đồng thời duy trì và phát huy mô hình VNEN có hiệu quả trong thời gian tới.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN