Tích cực chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới

19/08/2020 - 07:09

BDK - Cùng với việc tổ chức chấm thi để đảm bảo kế hoạch công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường THPT Tán Kế (Ba Tri) tu sửa trường lớp phục vụ năm học mới.

Trường THPT Tán Kế (Ba Tri) tu sửa trường lớp phục vụ năm học mới.

Đảm bảo điều kiện học 2 buổi/ngày

Năm học 2020-2021, ngành GD&ĐT tỉnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ khối lớp 1. Để chuẩn bị cho việc thay sách lớp 1, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản liên quan việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới. Đồng thời, Sở GD&ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục giao cho Công ty cổ phần Thiết bị - Sách Bến Tre là đầu mối phát hành sách. Đến nay, Công ty cổ phần Thiết bị - Sách Bến Tre đã cung ứng sách đủ theo số lượng đăng ký của các phòng GD&ĐT.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị - Sách Bến Tre cho biết, ngoài phát hành qua kênh của phòng GD&ĐT và các trường, công ty đưa ra bán lẻ tại 3 cửa hàng của công ty và áp dụng giảm 5%/bộ sách. Trường hợp phụ huynh không đăng ký về các trường nơi học sinh đang học có thể tìm mua tại các hệ thống cửa hàng bán lẻ của công ty để tránh tình trạng mua nhằm sách giả. Để đảm bảo không thiếu sách cho học sinh lớp 1 trong tỉnh, công ty dự kiến phát hành 150 ngàn bản, 106 ngàn bản sách bổ trợ, 15 ngàn bản sách tiếng Anh.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức đấu thầu, với tổng kinh phí 110 tỷ đồng để mua sắm các thiết bị; 4,5 tỷ đồng cho công tác bồi dưỡng cho giáo viên tham gia chương trình lớp 1. Hiện nay, 100% giáo viên dạy lớp 1 được tập huấn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương được triển khai theo kế hoạch của UBND tỉnh, ngành đã tham mưu thành lập ban biên soạn, thành lập hội đồng thẩm định bộ tài liệu. Đề cương đã được thẩm định vào tháng 3-2020, nội dung đang được tiến hành thẩm định. Dự kiến, cuối tháng 8-2020 sẽ in và triển khai cho năm học 2020-2021.

Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy cho biết, ngành đã trình UBND tỉnh để xin chủ trương duy tu sửa chữa, mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy cho năm học mới tại các trường THPT. Đối với các huyện, thành phố đang đầu tư sửa chữa, mua sắm để đảm bảo cho các đơn vị có đủ điều kiện để chuẩn bị cho năm học mới. Đầu tháng 9-2020, Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng sẽ bắt đầu cung cấp thiết bị cơ bản cho các đơn vị trường học và hoàn thiện cung cấp vào tháng 12-2020. Trên cơ sở đó, các trường tiểu học đảm bảo việc học 2 buổi/ngày đối với lớp 1. Hiện Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch trong 4 năm tới để đảm bảo cuối năm thực hiện chương trình mới đối với khối lớp 5 thì tất cả học sinh đều được học 2 buổi/ngày theo quy định.

Điều chỉnh nhân sự

Sở GD&ĐT đã hoàn thành công tác luân chuyển viên chức; đang thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý để chuẩn bị cho năm học mới. Thực hiện phân bổ biên chế cho các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc để rà soát biên chế, chuẩn bị tuyển dụng, bổ sung nhân sự cho năm học mới. Sở GD&ĐT đã giải quyết 48 trường hợp luân chuyển trong tỉnh, nhận 11 trường hợp ngoài tỉnh về, chủ yếu là giáo viên mầm non.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy, giáo viên ở bậc học tiểu học và THPT hiện còn thừa và thiếu. Do đó, năm nay ngành sẽ không nhận giáo viên ở bậc học này từ nơi khác, nhằm cân đối, điều chỉnh lại đội ngũ trong ngành bằng cách luân chuyển giáo viên từ chỗ thừa qua chỗ thiếu. Trong năm 2020, ngành GD&ĐT được giao 15.744 biên chế, giảm 339 biên chế so với năm 2019. Rà soát với yêu cầu thực tế, toàn ngành thiếu 600 biên chế, chủ yếu là biên chế mầm non (550 biên chế). Với số lượng được giao và tình hình thực tế, ngành sẽ hạn chế tuyển dụng giáo viên tiểu học, THCS, THPT, ưu tiên tuyển dụng mầm non và chức danh kế toán.

Trong năm học 2020-2021, trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh có giảm do tỉnh thực hiện sáp nhập các xã. Tuy nhiên, nhiều trường mầm non ngoài công lập thành lập nên số lượng trường mầm non vẫn duy trì như năm trước. Trong năm học này, toàn tỉnh có 183  trường mầm non, thu hút khoảng 4.500 trẻ em dưới 3 tuổi và 46 ngàn trẻ em từ 3 - 5 tuổi dự học. Đối với THCS có 130 trường, giảm 1 trường, THPT có 35 trường do có thêm Trường THPT Võ Văn Kiệt (Chợ Lách) với quy mô 4 lớp. Giáo dục thường xuyên tiếp tục thu hút khoảng 15% học sinh đã tốt nghiệp THCS sẽ tham gia học.

Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy thông tin thêm: Trong năm học 2020-2021, ngành tiếp tục phấn đấu thành lập thêm một số trường ngoài công lập. Phấn đấu thực hiện huy động trẻ vào nhà trẻ đạt 13,53%, trẻ vào mẫu giáo đạt trên 83% (trẻ 5 tuổi đạt trên 90%). Đối với tiểu học, năm nay huy động đạt từ 99% trở lên. Hiện nay, việc triển khai các trường ngoài công lập gặp khó khăn. Sở chỉ đạo các phòng và các trường chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo cũng như đề xuất các giải pháp cho việc thu nhận trẻ vào đầu năm học.

“Để thực hiện đạt mục tiêu huy động 25% trẻ mầm non ra lớp trong năm 2025, kiến nghị các địa phương quan tâm dành quỹ đất cho giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất cho các trường để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra, siết chặt quản lý các nhóm lớp theo đúng quy định. Các sở, ngành, đoàn thể và chính quyền các huyện, thành phố quan tâm phối hợp cùng xây dựng môi trường xung quanh trường học thân thiện, đảm bảo an toàn cho học sinh”, bà La Thị Thúy đề nghị.

“Chương trình lễ khai giảng năm học 2020-2021 tổ chức trên tinh thần đảm bảo hình thức ngày hội đến trường của bé đối với bậc mầm non; các trường tiểu học, THCS, THPT cần tạo không khí vui tươi phấn khởi, khí thế năm học mới cho học sinh và giáo viên.

Dự kiến, năm học này, học sinh tựu trường vào ngày 1-9-2020, ngày 5-9-2020 khai giảng năm học. Các bậc học kết thúc năm học trước ngày 31-5-2021”.

(Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN