Chấn chỉnh công tác quản lý đo lường, chất lượng và ghi nhãn vàng trang sức, mỹ nghệ

25/02/2015 - 07:21
Đoàn công tác đang kiểm tra vàng trang sức, mỹ nghệ. Ảnh: T. Tân

Toàn tỉnh hiện có khoảng 240 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ với nhiều chủng loại sản phẩm, mẫu mã. Nhu cầu trao đổi, mua bán vàng ngày càng tăng đã đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý về sản xuất, kinh doanh vàng, đặc biệt là vấn đề quản lý về đo lường, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ.

Thời gian qua, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường chưa được kiểm soát dẫn đến người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi, khi bán thì giá thấp hơn nhiều do chuẩn vàng khác nhau ở mỗi nơi.

Để nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh doanh vàng, ngày 3-4-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Ngày 26-9-2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. Để triển khai thực hiện thông tư này, từ tháng 8-2014, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra về đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông tại 87 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Kết quả kiểm tra, về chất lượng và ghi nhãn, hầu hết vàng trang sức, mỹ nghệ đều có đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, có nhãn in đính kèm nhưng nhãn đính kèm chưa đủ nội dung theo quy định hoặc nhãn chưa được gắn trên tất cả các mặt hàng. Phần lớn doanh nghiệp kinh doanh chưa lưu giữ tiêu chuẩn công bố áp dụng, nhiều doanh nghiệp tự sản xuất chưa thực hiện ghi nhãn in đính kèm trên sản phẩm và chưa công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm vàng trang sức. Về đo lường, các doanh nghiệp đã chấp hành tốt quy định như trang bị cân đúng quy định, giấy chứng nhận kiểm định còn hiệu lực. Bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp chưa trang bị cân theo quy định.

Qua đây cho thấy, doanh nghiệp kinh doanh nguồn hàng được lấy từ các công ty lớn, có uy tín, thương hiệu ở TP. Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp chuyên sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở TP. Bến Tre; một số doanh nghiệp vừa lấy hàng từ doanh nghiệp khác sản xuất vừa gia công, chế tác các mặt hàng đơn giản như nhẫn trơn, cà rá… Các doanh nghiệp đã nhận biết và thực hiện những nội dung bắt buộc về đo lường, chất lượng và ghi nhãn vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc chỉ thực hiện theo kiểu đối phó, điều này gây mất bình đẳng trong cạnh tranh đối với những doanh nghiệp chấp hành tốt quy định.

Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Thông tư số 22 đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng và ghi nhãn mặt hàng này để bảo đảm hoạt động thương mại lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN