Hoàn thiện công nghệ sản xuất bầu cây bằng chỉ xơ dừa và mụn dừa

03/04/2009 - 13:09

Chỉ xơ dừa, mụn dừa có nhiều công dụng trong sản xuất. Ảnh: T.H

Vừa qua, Hội đồng Khoa học chuyên ngành cấp tỉnh đã tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học: “Hoàn thiện công nghệ sản xuất bầu cây từ mụn dừa và chỉ xơ dừa có khả năng tự phân hủy phục vụ phát triển cây trồng bền vững tại  Bến Tre”.

Đề tài do Trung tâm Khoa học - Công nghệ phát triển đô thị và nông thôn (Hà Nội) chủ trì thực hiện và PGS.TS Nguyễn Đình Mạnh làm chủ nhiệm. Sau gần hai năm triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành khảo sát về tình hình nguyên liệu mụn dừa, chỉ xơ dừa, từ đó đã xác định được những loại nguyên liệu chính là chỉ xơ dừa và mụn dừa có thể dùng để sản xuất bầu cây hữu cơ tự phân hủy…

Trên cơ sở đó, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành hoàn thiện quy trình sản xuất đối với bầu cây hữu cơ phù hợp với điều kiện tự nhiên như xác định loại nguyên liệu, tỷ lệ phối trộn phù hợp giữa các loại nguyên liệu, tỷ lệ các chất phụ gia, nhiệt độ và thời gian sấy, hình dáng và kích thước khuôn mẫu phù hợp... Trong khuôn khổ đề tài, cơ quan chủ trì đã sản xuất thử nghiệm khoảng 1.500 bầu cây hữu cơ bằng chỉ xơ dừa và mụn dừa, đồng thời tiến hành khảo nghiệm với một số giống cây trồng tại cơ sở sản xuất giống cây Hai Đức ở xã Hưng Khánh Trung (Chợ Lách) như: măng cụt, cam, bưởi, ca cao…...

Trong quá trình theo dõi cho thấy, sau một thời gian nhất định thì cây trong bầu phát triển tốt hơn so với cây trồng đối chứng trong bầu bằng túi nylon. Qua kết quả khảo nghiệm và khuyến cáo, cơ sở sản xuất giống cây, nhóm thực hiện đề tài đã xác định được yêu cầu về độ bền của túi bầu cây đối với từng loại cây (từ 6 tháng đến 1 năm). Các loại cây ươm trong túi bầu này phát triển khá tốt, bầu cây có thể giữ được ẩm và có thể bổ sung một lượng mùn sau khi phân hủy.

Hội đồng nghiệm thu nhận xét đây là một đề tài có ý nghĩa về xã hội, đặc biệt là giải quyết vấn đề về môi trường vì Bến Tre là tỉnh có sản lượng dừa lớn nhất nước, hàng năm với khoảng 25 triệu trái, đây là cây công nghiệp chủ lực mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể qua xuất khẩu các sản phẩm từ dừa. Tuy nhiên, về vấn đề giá thành sản xuất và thời gian phân hủy của bầu cây tương ứng với từng loại cây, cần có những nghiên cứu bổ sung để sản phẩm này có thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hơn.

Mặc dù đề tài này còn phải bổ sung và hoàn thiện thêm, nhưng kết quả đã mở ra một hướng mới giúp người dân trong tỉnh có thể tự sản xuất được các túi bầu cây tự phân hủy sẽ dần thay thế túi bầu bằng nylon, giảm thiểu được nguy cơ suy thoái đất, ô nhiễm môi trường do sử dụng túi bằng chất liệu polymer, đồng thời tận dụng được các nguồn phế thải từ sản phẩm nông nghiệp. Đề tài được Hội đồng khoa học công nghệ thống nhất đánh giá đề tài đạt loại khá.

Văn Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN