Kiểm định, bảo quản, sử dụng cân thông dụng

08/04/2020 - 06:40

BDK - Kiểm định cân thông dụng là hoạt động bắt buộc, nhằm đảm bảo đo lường được chính xác và thống nhất theo quy định của Luật Đo lường. Hoạt động này nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng.

Kiểm định cân thông dụng

Cân thông dụng là thiết bị dùng để đo trọng lượng hoặc tính toán khối lượng. Khi nói đến cân thông dụng thì hầu như ai cũng biết vì cân thông dụng được sử dụng từ rất lâu và rất phổ biến với đời sống người dân. Cân thông dụng gồm có các loại như: cân đồng hồ lò xo; cân bàn điện tử, cân bàn cơ khí; cân đĩa…

Sau một thời gian sử dụng, cân thông dụng có sự thay đổi vật lý: địa điểm sử dụng; môi trường sử dụng; va chạm không mong muốn với các bộ phận của cân, các bộ phận của cân bị “lão hóa” theo thời gian... dẫn đến cân bị sai lệch trong quá trình sử dụng. Vì vậy, cân thông dụng được pháp luật quy định nằm trong Danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng.

Tại Khoản 2, Điều 1, Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26-7-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26-9-2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.

Kiểm định là biện pháp kiểm soát về đo lường do tổ chức kiểm định phương tiện đo được chỉ định thực hiện để đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo bảo đảm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường. Phương tiện đo, thiết bị đo sau khi kiểm định đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ kiểm định (tem kiểm định; dấu chì kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định) do đơn vị được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định thực hiện và có giá trị pháp lý trong cả nước.

Đối tượng sử dụng cân thông dụng vào mục đích trao đổi, mua bán bắt buộc phải kiểm định gồm các đơn vị, hộ kinh doanh cá thể trong các ngành như: vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, cơ sở thu mua nông sản, tiểu thương buôn bán tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện ích…

Sử dụng cân thông dụng

Cơ sở sử dụng cân thông dụng phải bảo đảm các điều kiện bảo quản, sử dụng phương tiện đo theo quy định của nhà sản xuất, yêu cầu kỹ thuật đo lường của cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền; duy trì đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ kiểm định.

Thực hiện việc kiểm định định kỳ, kiểm định sau sửa chữa đối với phương tiện đo trong quá trình sử dụng theo quy định. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về đo lường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Khi sử dụng và bảo quản cân thông dụng không để những vật có trọng lượng nặng vượt quá mức chịu tải của cân,  như thế sẽ ảnh hưởng đến kết quả của cân và làm cân mau hỏng. Không nên đặt vật nặng trên cân trong thời gian dài, tốt nhất nên dỡ bỏ vật cân xuống khi không có nhu cầu cân. Khi vệ sinh cân nên dỡ mặt cân ra và thực hiện các thao tác vệ sinh, không dùng hóa chất có tính khử quá cao. Không dùng vật sắc nhọn để vệ sinh cân.

Khi cân bị hỏng hay hiển thị kết quả không chính xác, cần đưa tới nơi sửa chữa, kiểm định lại trước khi đưa vào sử dụng, không nên tự ý phá chứng chỉ kiểm định để chỉnh sửa rồi lại tiếp tục sử dụng. Những vật cần cân như hóa chất hay dạng bột cần bỏ vào thùng giấy, túi nylon trước khi đưa lên cân.

 Để cân có tuổi thọ lâu và kết quả cân được chính xác, vị trí đặt cân phải bằng phẳng, cố định, không được di chuyển hay lắc lư cân. Cân cần được đặt ở nơi khô ráo, tránh nhiệt độ cao, tránh tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời vì nhiệt độ sẽ làm ảnh hưởng đến các bộ phận của cân.

Xử phạt các hành vi vi phạm

Phạt tiền từ 500 ngàn - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây khi sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị đến 1 triệu đồng (tính theo giá trị phương tiện đo mới cùng chủng loại hoặc phương tiện đo mới có đặc tính kỹ thuật tương đương tại thời điểm vi phạm hành chính):

Không có chứng chỉ kiểm định (tem, dấu, giấy chứng nhận) hoặc hiệu chuẩn theo quy định; Chứng chỉ kiểm định hoặc hiệu chuẩn đã hết hiệu lực; Tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, chứng chỉ kiểm định hoặc hiệu chuẩn trên phương tiện đo.

Phạt tiền từ 1 - 30 triệu đồng đối với hành vi quy định tại Khoản 1 điều này khi sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị trên 1 triệu đồng đến trên 70 triệu đồng.

Đỗ Công Trứ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN