Tăng nguồn quỹ dành cho khoa học công nghệ

19/02/2020 - 07:30

BDK - Năm 2019, kinh phí dành cho khoa học công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh là 20,3 tỷ đồng. Nguồn kinh phí tương đối thấp, trong khi đó, KHCN đóng vai trò quan trọng, thực hiện một số chủ trương của tỉnh trong phát triển kinh tế ngành nông nghiệp.

Một doanh nghiệp có chứng nhận KHCN cho biết, rất khó tiếp cận các chính sách ưu đãi về KHCN.

Một doanh nghiệp có chứng nhận KHCN cho biết, rất khó tiếp cận các chính sách ưu đãi về KHCN.

Kích thích sản xuất

Quỹ phát triển KH&CN do UBND tỉnh quyết định thành lập vào tháng 5-2010. Sau gần 10 năm ra đời, trong đó có 6 năm chính thức hoạt động, Quỹ phát triển KH&CN đã góp phần tăng giá trị xuất khẩu của tỉnh, nâng cao giá trị sản xuất và trình độ công nghệ, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, giúp tạo ra nhiều sản phẩm hơn. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn vốn, bù đắp chi phí và không vì mục đích lợi nhuận, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Quỹ cho vay với lãi suất ưu đãi, tối đa bằng 50% lãi suất cho vay dài hạn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh tỉnh tại thời điểm cho vay. Quỹ tài trợ không thu hồi cho các dự án được quy định tại Khoản 1 Điều 4 của điều lệ tổ chức và hoạt động quỹ; mức tài trợ không quá 30% tổng kinh phí thực hiện.

“Vốn hoạt động của quỹ được cấp một lần đầu 10 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước dành cho sự nghiệp KH&CN của tỉnh, được phân bổ trong 3 năm kể từ khi thành lập. Đến nay, quỹ đã cho vay được 8 dự án ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh. Đa số các dự án đều vay 2 tỷ đồng/dự án (mức vay tối đa quỹ cho phép). Đây là các dự án ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất”, Chánh Văn phòng Quỹ phát triển KH&CN Nguyễn Văn Vũ cho biết.

Có 8 dự án được vay vốn, gồm: Dự án đầu tư dây chuyền sản xuất nước cốt dừa đóng lon với công suất 14 ngàn tấn/năm của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới; Dự án chuyển giao công nghệ tạo hạt phân hữu cơ công suất 2 tấn/giờ của Công ty TNHH Hiệp Thanh; Dự án Đầu tư dây chuyền sản xuất mụn dừa ép viên 20mm, năng suất 400kg/giờ của Doanh nghiệp tư nhân SXTM XNK Song Phương; Đầu tư xây dựng và hoàn thiện công nghệ sản xuất “Mặt nạ dừa” từ nước dừa của Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long; Dự án Đầu tư xây dựng và hoàn thiện công nghệ xuất gạch không nung của Công ty cổ phần Sản xuất gạch Nam Việt; Dự án Đầu tư hệ thống thiết bị sấy lúa và tách màu gạo công suất 80 tấn/mẻ của Công ty Lương thực Bến Tre; Dự án Sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Phú An Khang; Dự án Đầu tư kho lạnh xử lý nhiệt và hệ thống máy gọt vỏ định hình trái dừa tươi xuất khẩu của Công ty XNK trái cây MeKong.

“Nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển KH&CN là một sự khích lệ cho doanh nghiệp khi chúng tôi chuyển đổi công nghệ mới. Với công nghệ mới, công ty đã cho ra các sản phẩm ngày càng hoàn thiện với năng suất tăng lên đáng kể, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm địa phương trên thị trường”, bà Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long chia sẻ.

Nhu cầu tăng vốn

Năm 2019, ngân sách tỉnh dành cho KHCN, gồm: chi trả lương và chi triển khai thực hiện các đề tài khoa học 20,3 tỷ đồng, trong đó, chi triển khai thực hiện các đề tài khoa học chiếm 12,7 tỷ đồng (cuối năm 2019 đã giải ngân 12 tỷ đồng).

Theo ông Nguyễn Văn Quới - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh (tại buổi giám sát về tình hình thực hiện các nghị quyết về thu và phân bổ ngân sách vào tháng 11-2019), chi cho KHCN trên địa bàn tỉnh thực hiện ở mức tương đối thấp, trong khi đó, KHCN đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 (Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy); thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và Kết luận số 359 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11-4-2012 về Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có mục tiêu “bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho KH&CN không dưới 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm”. Nếu thực hiện theo Quyết định số 418/QĐ-TTg, căn cứ vào tổng chi ngân sách năm 2019 của tỉnh, chi cho KHCN sẽ là hơn 100 tỷ đồng.  

Năm 2020, nguồn kinh phí dành cho KHCN trên địa bàn tỉnh có cải thiện so  với năm 2019. Tuy nhiên, quỹ này lại đứng trước nguy cơ dừng hoạt động khi vấp phải nhiều khó khăn. Cụ thể, quỹ chưa thực hiện chức năng tài trợ (một trong hai chức năng chính), quy trình cho vay kéo dài từ 60 - 90 ngày, số vốn vay tối đa 2 tỷ đồng, rất nhỏ so với tổng số vốn cần thiết để thực hiện dự án.

Văn phòng Quỹ phát triển KH&CN làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách, chưa thực hiện đúng quy định của Bộ KH&CN. Quy mô vốn điều lệ của quỹ là 10 tỷ đồng, nếu thực hiện theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHCN thì mỗi năm chỉ cho vay được 1 dự án (tổng số vốn cho vay, bảo lãnh vốn vay hàng năm không quá 20% vốn điều lệ của quỹ). 

Để Quỹ phát triển KH&CN tiếp tục hoạt động và có những hỗ trợ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN đã có tờ trình UBND tỉnh xem xét kiến nghị Bộ KH&CN xem xét điều chỉnh lại quy định Thông tư số 03/2015/TT-BKHCN để phù hợp với từng địa phương và triển khai thực hiện. Đồng thời, Văn phòng Quỹ phát triển KH&CN kiến nghị chuyển hoạt động cho vay của quỹ thông qua hình thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng.

Thông tin từ Sở KH&CN, hiện UBND tỉnh đã phân bổ chi KHCN năm 2020 là 25,4 tỷ đồng, trong đó, chi triển khai thực hiện các đề tài khoa học 16,6 tỷ đồng. Đối với 16,6 tỷ đồng này, thông thường mức hỗ trợ cho việc nghiên cứu đề tài là 100% nhu cầu vốn; hỗ trợ ứng dụng cho các dự án khoảng 30 - 70% nhu cầu vốn; không hỗ trợ đầu tư cho sản xuất đại trà thiết bị (đã nghiên cứu ứng dụng thành công).

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN