Dốc lực vì sức khỏe nhân dân

20/01/2022 - 11:05

BDK - Một năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động lớn đến mọi ngành, mọi lĩnh vực. Đặc biệt, ngành y tế - lực lượng trực tiếp đảm nhận công tác phòng chống dịch đã dốc lực để đáp ứng tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.

Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu chăm sóc bệnh nhân F0. Ảnh: Phan Hân

Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu chăm sóc bệnh nhân F0. Ảnh: Phan Hân

Dịch chưa yên, bác sĩ chưa nghỉ

Ngay từ khi đợt dịch lần thứ 4 xâm nhập và bùng phát tại tỉnh, ngành y tế chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 (BCĐ) tỉnh triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp chuyên môn và các biện pháp tăng cường, giãn cách xã hội. Khi dịch bệnh cơ bản kiểm soát, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, nhiều hoạt động của người dân, một số lĩnh vực gần như trở lại bình thường cũng là lúc đặt trên vai đội ngũ thầy thuốc những nhiệm vụ mới, áp lực hơn trong công tác phòng chống dịch.

Bước vào giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, số ca nhiễm tăng nhanh, hệ thống y tế hoạt động gấp đôi công suất. Các y sĩ, bác sĩ ngày đêm lăn xả, gồng mình chống dịch với quyết tâm cao nhất nhằm kiểm soát hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh. Công việc không còn tính bằng giờ hành chính mà tùy thuộc vào tình hình diễn biến dịch ở từng cấp độ. 

“Chúng tôi vừa phải đảm bảo công tác truy vết, xét nghiệm, xác minh thông tin, theo dõi sức khỏe người đang thực hiện cách ly, vừa đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng và tham mưu BCĐ xã các biện pháp chỉ đạo phòng chống dịch của cấp trên để có phương án xử lý kịp thời, đáp ứng hiệu quả công tác phòng chống dịch”, bác sĩ Nguyễn Vũ Linh - Trưởng trạm Y tế xã Hưng Phong (Giồng Trôm) chia sẻ.

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, dù giai đoạn nào, nhiệm vụ ngành y tế vẫn trực tiếp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hiểm nguy luôn cận kề và thực tế đã có nhiều y sĩ, bác sĩ bị lây nhiễm khi làm nhiệm vụ. Nhưng sau khi bình phục, họ lại tiếp tục lao vào cuộc chiến, bởi phía trước còn có bệnh nhân đang chờ. Không chỉ 365 ngày của năm 2021 mà suốt 2 năm qua, lực lượng y tế không có khái niệm thời gian. Khối lượng công việc vượt qua chỉ số 24 tiếng/ngày.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hồng - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã không kể ngày đêm, luôn sát cánh với lực lượng truy vết, xét nghiệm. Chị có mặt tại hầu hết các doanh nghiệp khi có ca nhiễm, đặc biệt là lúc xử lý những ca khó. “Tất cả là nhiệm vụ, khi dịch chưa được đẩy lùi, còn ca dương tính, thì chúng tôi vẫn truy vết, xét nghiệm”, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hồng tâm sự.

Bảo vệ sức khỏe người dân, bên cạnh những người trực tiếp chăm sóc, điều trị F0 tại cơ sở y tế, khu cách ly thì có hàng ngàn cán bộ y tế tuyến cơ sở cũng đang ngày đêm theo dõi sức khỏe, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Nhiều bác sĩ đã không dám chợp mắt vì sợ để nhỡ cuộc gọi nửa đêm của trường hợp F0 điều trị tại nhà không may trở nặng cần được tư vấn.

Nỗ lực thu dung, điều trị

Bên cạnh việc triển khai truy vết, xét nghiệm thần tốc, ngành y tế còn chú trọng công tác nâng cao các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Với việc hỗ trợ của đoàn công tác của Bộ Y tế (tháng 8-2021) vào trực tiếp cầm tay chỉ việc, đội ngũ y sĩ, bác sĩ của tỉnh đã củng cố, từng bước nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tính tới đầu tháng 1-2022, tỉnh có hơn 26 ngàn ca mắc Covid-19. Trong đó, có trên 18 ngàn trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh. Một trong những thành công cần nhắc đến là trường hợp cứu sống bệnh nhân lớn tuổi nhiễm Covid-19 nặng, nguy kịch trên bệnh lý nền tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trong tháng 12-2021. Đó là trường hợp bệnh nhân nữ sinh năm 1957 (quê Tiền Giang) có liên quan ổ dịch tại đám tang huyện Bình Đại vào tháng 10-2021.

Ngày 30-10-2021, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trong tình trạng khó thở, SpO2 90%, viêm phổi mức độ nguy kịch. 44 ngày thở máy tại khu điều trị hồi sức F0 Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, mọi nhu cầu cá nhân của bà P.T.T đều do các y sĩ, bác sĩ chăm lo. Sau gần 2 tháng chăm sóc, điều trị tích cực, bệnh nhân chuyển trại chăm sóc bệnh thông thường, sức khỏe dần cải thiện.

Theo đánh giá chuyên môn, đây là trường hợp bệnh nặng, nguy kịch, tiên lượng tình huống xấu nhất. Các bác sĩ chỉ định phải thở máy, đặt nội khí quản ra da và chăm sóc hồi sức tích cực. Bác sĩ Võ Quang Vinh - Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu tham gia tại khu điều trị F0 cho biết: “Để điều trị thành công ca nhiễm Covid-19 nặng, nguy kịch trên nền bệnh rất vất vả, đòi hỏi đội ngũ y tế phải toàn tâm, dốc hết sức lực mới thành công. Bởi lẽ, một bệnh thông thường nguy kịch việc điều trị hết sức khó khăn, khi đã nhiễm Covid-19 chuyển nặng với đặc thù bệnh truyền nhiễm, diễn biến nhanh thì khó khăn bội lần”.

Trước ngày ra viện, bệnh nhân P.T.T xúc động nói: “Được bác sĩ cứu sống, tôi rất mừng. Xin cho tôi gửi ngàn lời cảm ơn các y sĩ, bác sĩ - những vị Bồ Tát sống, đã cứu tôi thoát khỏi tử thần. Covid-19 thì ai cũng sợ, các y sĩ, bác sĩ cũng vậy. Nhưng chính cái tâm của người thầy thuốc đã tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt qua nỗi sợ, không màng hiểm nguy để tận tình chăm sóc, cứu chữa cho những bệnh nhân như tôi”.

Từ đầu mùa dịch đến nay, có nhiều ca thở máy, đặt nội khí quản nhưng tỷ lệ thành công rất thấp. Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Trình Minh Hiệp cho biết: “Ca nhiễm Covid nặng, nguy kịch đáp ứng được điều trị là thành công rất lớn trong công tác chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nặng và nguy kịch, đánh dấu bước trưởng thành trong tay nghề của đội ngũ thầy thuốc tại bệnh viện”.

Qua 2 năm chống dịch, giờ đây, lực lượng ngành y tế ít nhiều đã  thấm mỏi mệt. Với ca nhiễm nặng được cứu sống nêu trên là một chiến công tạo thêm động lực, nguồn năng lượng mới cho đội ngũ thầy thuốc ngành y tế tỉnh tiếp tục nỗ lực, phấn đấu trong công tác phòng chống, điều trị bệnh nhân Covid-19 trong “cuộc chiến không biết hồi kết”.

Bước sang năm 2022, trước những nhận định biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2, phía trước của các y sĩ, bác sĩ vẫn còn khó khăn, nguy hiểm. Với cảm quan người thầy thuốc, tinh thần trách nhiệm vì mục tiêu cuối cùng bảo vệ sức khỏe người bệnh, tin tưởng đội ngũ thầy thuốc tỉnh nhà đủ năng lượng, tiếp tục dốc tâm - trí - lực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

“Với tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, cùng tâm huyết của nghề nghiệp, đội ngũ thầy thuốc tỉnh luôn cố gắng vượt khó, bám sát tình hình diễn biến dịch, sẵn sàng các biện pháp phòng chống. Ngành y tế chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh có kế hoạch mới về phòng chống dịch phù hợp. Đồng thời, bố trí nguồn nhân lực đáp ứng tình huống của dịch; kiên định chiến lược phòng dịch với 3 trụ cột: xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng nhằm sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, mang lại sự an yên cho người dân”.

(Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán - Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh)

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN