Mỗi ngày có 150 người Việt chết vì đái tháo đường

01/09/2018 - 17:18

Đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Phan Hân

Đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Phan Hân

Chiều 31-8-2018, Sở Y tế phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức Hội thảo "Phổ biến kiến thức về bệnh đái tháo đường (tiểu đường) - nguy cơ và cách phòng tránh cho người dân tại Bến Tre".

Theo thống kê năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tháo đường đang ảnh hưởng đến 422 triệu người trên toàn cầu. Nếu không có sự gia tăng nhận thức và can thiệp kịp thời, bệnh đái tháo đường sẽ trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chết người vào năm 2030.

Trong báo cáo đề án tổng quan về bệnh đái tháo đường, Phó giám đốc Sở Y tế Phạm Quốc Tuấn cho cho biết, đái tháo đường là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm nhưng lại chưa được chú ý tại Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây. Tỷ lệ bệnh đái tháo đường gia tăng ở Việt Nam gấp 3 lần so với thế giới. Mỗi ngày có 150 người Việt chết vì đái tháo đường, cao gấp 7 lần so với người tử vong vì tai nạn giao thông.

Cả nước hiện có 5 triệu người mắc bệnh này nhưng phần lớn không biết mình bị bệnh và chỉ phát hiện ra khi có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, biến chứng mắt, bàn chân đái tháo đường. Có đến 80% bệnh nhân đái tháo đường chết do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, bệnh nhân có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao gấp 2-4 lần so với người bình thường; 20% bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận có thể chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Tỷ lệ mắc bệnh tháo đường của người trên 18 tuổi tăng từ 4,7-8,5%. Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ngày càng tăng và có thể tăng đến 642 triệu người vào năm 2040, trong đó, bệnh đái tháo đường tuýp 2 chiếm khoảng 60% tổng số bệnh nhân đái tháo đường trên thế giới.

“Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể dục thường xuyên, duy trì trọng lượng cơ thể bình thường và tránh sử dụng thuốc lá, hạn chế bia, rượu là cách phòng ngừa sự khởi phát của bệnh đái tháo đường tuýp 2. Đồng thời, giúp cơ thể khỏe mạnh, góp phần hạn chế được những bệnh tật khác” - Bác sĩ Phạm Quốc Tuấn cho biết.

Dịp này, Ths. Bs Diệp Thị Thanh Bình - Phó chủ tịch Hội Nội tiết Đái tháo đường TP. Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội Đái tháo đường Việt Nam đã hướng dẫn việc kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 nguy cơ cao. Bác sĩ Trần Minh Triết - Khoa nội Tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh chia sẻ hiệu quả và an toàn của DPP4i (loại thuốc ức chế) trong điều trị bệnh tháo đường tuýp 2.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN