Khoảng trống mê hồn

20/01/2022 - 16:24

Thế nào mà có hồi cứ mở file trắng ra là ngộp thở, bạn kể vậy. Sự vắng, trống trải vô cùng của nó gây nên một áp lực rằng cần rất nhiều chữ lắm, dụng công lắm mới lấp đầy. Nghĩ làm đầy là bổn phận của người viết. Mở ra một câu chuyện và cố gắng kết thúc nó. Dựng lên những hình người, và cho họ tâm tính, thân phận rõ ràng, xây nên một nhân sinh đầy đặn. Sống hay chết, hạnh phúc hay khổ đau, đều có hồi kết. Bày ra bao trớ trêu ngang trái rồi sắp đặt mọi thứ đâu vào đấy. Nhiều lần phải cho anh A chị B chết đi thì mới kết thúc trọn vẹn được cuộc rối ren lỡ bày. Cuộc viết nào cũng bắt đầu bằng mở toang ra, rồi chật vật khép lại, giữa chúng là khoảng vật vã chôn lấp đắp vá những lổ hổng, những khoảng trống.

Nhớ ra thì không chỉ viết, bạn dành cả thanh xuân để lấp đầy mọi thứ quanh mình. Cày cục kiếm tiền để sắm đồ nội thất sao cho chẳng khoảng nào trong nhà bỏ không. Quần áo phải xếp chật tủ mới thôi. Bất an khi ngó vào vách chưa có thứ chi trưng bày. Cả thời gian sống, bạn cũng điền mình vào hết thảy các ô trống của ngày. Ô nào ngồi quán, ô nào cho làm lụng kiếm tiền, ô nào cho những mối quan hệ. Một trật tự được thiết lập bởi tính kỷ luật, bảo đảm bản thân không có thời gian nào cho lười nhác vô bổ, với sự chính xác của một cỗ máy, không hơn. Sao cho mỗi ngày trôi qua vừa khít, trong lúc đợi đến thời khắc lấp thân vào đất. Phút cuối đó, bạn tin chẳng ai nói là con người này đã sống phí cuộc đời.

Khoảng đất trong hình dung đó, rốt cuộc bạn được nhìn tận mắt, hôm mẹ qua đời. Mẹ nằm vào vừa in rồi, sao bạn vẫn thấy thênh thang. Ngó cái võng mẹ thường nằm nghe đài, ngó trống trải bất chấp ai đó nằm vào. Nghi thế giới này khởi thủy là đã trống. Thêm một sự sống chỉ là làm đầy tạm thời. Một cuộc cắt dán có thời hạn, rồi cũng bong tróc, hoặc tàn rã. Bữa cúng bốn chín ngày cho mẹ, bạn nhìn phía vườn, cũng ao cá hào ranh, cũng cây cỏ, chim chóc ấy, mà dài rộng không chữ nào tả nổi.

Nhận ra những khoảng trống vẫn ở ngay bên bạn, chúng ở đó tự hồi nào, cả khi người ta quên đi sự tồn tại ấy, chúng vẫn ung dung chờ trỗi dậy, như một hạt giống biết mình sớm muộn gì cũng được mưa tắm tưới, nảy mầm. Sớm muộn thì vài nhắc nhớ bâng quơ cũng dựng lại hình hài chúng. Bút phê của vị trưởng ban biên tập trên bản thảo đầu tay, “có một sự nhồi nhét không hề nhẹ”. Lời của ông thầy dạy vẽ lớp hè năm xưa, “mấy con đâu cần phải vẽ đặc kín hết tranh, cứ để trống một chút” (ông thầy lạ lùng hay nói những thứ vượt ngoài tầm hiểu biết của lũ trẻ, kiểu như “chỉ cần đầu mình đầy hình ảnh, thì một tờ giấy trắng trải ra trước mặt cũng lủ khủ ảnh hình”). Hoặc vô ngôn vô tự như đôi dép cũ đặt dưới chân mộ mẹ. Căn nhà trống bị sóng xâm thực quỳ sụp bên bãi biển. Khoảng sân đậu của chiếc phi cơ vừa cất cánh, chuyến bay mà bạn chẳng may bỏ lỡ. Hộp thư đến trống trơn. Vài cuộc gọi mà đầu dây bên kia lặng thinh khi bạn bắt máy.

Nhưng phải tới vụ mất trí nhớ ngắn hạn bốn giờ đồng hồ, bạn mới nhận ra vẻ đẹp, sự mê hoặc của khoảng trống. Mình đã làm gì lúc đó, bản thân câu hỏi nọ cũng là một khoảng trống khác. Lúc lấy lại ý thức, bạn cứ hình dung thật nhiều phiên bản và phiên bản nào cũng khớp vào đoạn hồi ức trắng vừa in. Mình có thể ăn thịt sống luôn, biết đâu được, hoặc khỏa thân đi lại trong nhà. Mình có thể đã quét dọn máng xối hoặc chọn một điểm rơi, không thì sao lúc tỉnh ra thấy đang trên sân thượng.

“Có thể cả đời này, mình thật sự được tự do chỉ trong bốn tiếng đồng hồ đó”, bạn nói, khi kể về cái sự cố mà bạn tóm gọn trong mấy chữ rơi vào chốn không gì. Cà rỡn thêm, “tự do quý hiếm lắm, không phải cứ… muốn mà có”. Bạn không còn sợ mở ra file trắng, vô biên ấy vừa với bất cứ gì, sao phải lo. Cũng không cần căng người ra cố dọn dẹp những thứ mình đã bày. Những bỏ lửng, những khoảng trống nói được nhiều hơn, đa nghĩa hơn mươi ngàn chữ.

Nghĩ văn chương cũng như đời sống ngoài kia, vốn đầy những khoảng trống. Cả khi lấp đầy, thì chỉ là tưởng vậy. Nghĩ khoảng trống như bóng tối, có chong thắp kiểu gì, đèn tắt rồi trả lại vẹn nguyên một vô cùng. Bạn bắt đầu trưng bày nhiều khoảng trống lên trang viết. Hồi đầu đơn giản chỉ là chỗ thở cho người đọc, nhưng càng thuần thục chúng lộ ra vẻ quyến rũ, gọi mời. Vẫy gọi độc giả soi rọi bằng cảm xúc cá nhân, đánh thức trí tưởng tượng, khích lệ họ bước vào, cho họ quyền năng khỏa lấp lại những không. Bạn nhớ lần đầu đọc truyện ngắn Buồn ngủ của Anton Chekhov, bạn chừng mười hai tuổi, tả văn chúa lạc đề, nhưng đã cả gan viết tiếp đoạn sau khi đứa nhỏ con nhà chủ bị cô bé ở đợ bóp chặt cho ngưng khóc, để cô được chợp mắt một lúc. Cô bị chủ bóc lột đày đọa, đói ngủ đến mụ người. Sau giấc ngủ ngắn đó, hình phạt tàn khốc nào đang chờ cô? Hay Macario của Juan Rulfo, thằng nhỏ đói khát ngồi chờ lũ ếch chui ra để giết nhằm vui lòng bà mẹ nuôi. Rồi lũ ếch có chui ra không, rồi thằng nhỏ có chịu đói đến hết hơi?

Thứ văn chương như búa nện vào tâm trí, nói với bạn rằng, một dấu chấm hết mỏng manh sức mấy mà dẹp được cơn dư chấn đằng sau nó.

Tản văn của Nguyễn Ngọc Tư

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN