Mục tiêu của Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) là tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng với dịch vụ thông tin đất đai bằng cách phát triển một hệ thống quản lý đất đai hoàn thiện tại các địa phương qua việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và bản đồ địa chính dạng số hóa.
Ngày 18-9, Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) có số vốn 100 triệu đô la Mỹ từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức khởi động tại Hà Nội. VLAP là dự án đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý đất đai, được nghiên cứu hơn 10 năm nay qua sự hợp tác của nhiều nước như Pháp, Thụy Điển, New Zealand, Phần Lan.
Dự án được khởi động trước tại 9 tỉnh, thành phố, gồm ba tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long), ba tỉnh duyên hải miền Trung (Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi) và ba tỉnh đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình).
Dự án gồm 100 hoạt động khác nhau với ba giai đoạn triển khai trong vòng 5 năm. Giai đoạn thứ nhất, với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống đăng ký đất đai. Giai đoạn 2 sẽ tăng cường dịch vụ đăng ký đất đai. Giai đoạn 3, hỗ trợ quản lý và theo dõi đánh giá chất lượng các kết quả của dự án.
Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất về các chỉ số kết quả, các chỉ số kết quả trung gian và khung theo dõi dựa trên kết quả của dự án. Dữ liệu nền và các mục tiêu của các chỉ số trung gian đã được cung cấp và thống nhất trong đợt thẩm định gồm:
- Thứ nhất, về chỉ số giấy chứng nhận: Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố tham gia dự án, đến thời điểm thẩm định dự án chỉ có khoảng 7% số thửa đất được cấp giấy chứng nhận theo Luật Đất đai 2003, với mục tiêu đề ra, con số này sẽ tăng lên khoảng 50% vào năm thứ 3 và 75 % vào năm thứ 5 của dự án.
- Thứ hai, về mức độ hài lòng của người sử dụng đất đối với dịch vụ quản lý đất đai: Việc điều tra mức độ hài lòng của khách hàng đã được tiến hành ngay trước khi thẩm định dự án, trên cơ sở phỏng vấn hơn 1.800 người sử dụng đất. Kết quả thu được có 58% người được hỏi hài lòng với dịch vụ quản lý đất đai hiện tại, con số này được mong muốn sẽ tăng lên 65% vào năm thứ 3 và 75% vào năm thứ 5 của dự án.
- Thứ ba, thời gian thực hiện các giao dịch về đất đai theo điều tra hiện còn cao hơn số thời gian quy định trong Luật Đất đai từ 4 đến 6 lần. Dự kiến với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai được phát triển, thời gian thực hiện các giao dịch về đất đai sẽ giảm thiểu một cách tốt nhất. Ví dụ, với dịch vụ đăng ký biến động chuyển nhượng đất đai, tổng thời gian người sử dụng đất phải thực hiện hiện nay là 44 ngày; dự kiến đến năm thứ 3, con số này còn 30-35 ngày; năm thứ 5 sẽ đạt 9-10 ngày cho một giao dịch chuyển nhượng. Tương tự với dịch vụ đăng ký thế chấp, tổng thời gian người sử dụng đất phải thực hiện hiện nay là 11 ngày; dự kiến đến năm thứ 3, còn 6-8 ngày; năm thứ 5 sẽ đạt 1-2 ngày (không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ sử dụng đất).
Việc được chọn tham gia thực hiện dự án VLAP là cơ hội lớn và là điều kiện thuận lợi để Bến Tre hoàn thiện và hiện đại hoá hệ thống quản lý đất đai của địa phương. Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre đã xây dựng kế hoạch thực hiện tổng thể cho 5 năm và kế hoạch chi tiết 18 tháng theo yêu cầu của dự án. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có văn bản cam kết với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án đúng mục tiêu, nội dung; bố trí vốn đối ứng, đồng thời ứng trước kinh phí cần thiết theo yêu cầu của dự án; duy trì và phát triển hệ thống quản lý đất đai hiện đại của dự án VLAP tại tỉnh Bến Tre; tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý đất đai theo quy định pháp luật và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết theo yêu cầu của dự án nhằm hoàn thành mục tiêu, nội dung dự án đề ra.