Vợ chồng chị Võ Thị Thu Thảo sắp xếp bánh kẹp truyền thống Lò bánh kẹp Thảo Như.
Trước kia, vợ chồng chị Võ Thị Thu Thảo trải qua nhiều công việc làm như công nhân, mở quán ăn (bún riêu và hủ tiếu, bánh cuốn nóng)... Do tác động của dịch Covid-19, gia đình chị Thảo kinh doanh không thành công và còn nợ số tiền khá lớn. Cuối năm 2021, chị Thảo khởi nghiệp làm và kinh doanh bánh kẹp truyền thống. Hiện tại, chính nhờ công việc sản xuất bánh kẹp và kinh doanh các món bánh truyền thống mà chị Thảo đã trả hoàn tất số nợ của gia đình.
Chị Thảo và người thân trong gia đình cùng nhau làm bánh kẹp truyền thống. Trải qua những công đoạn: lột - đập - nạo - vắt (ép) dừa khô, khuấy bột rồi đổ bánh ra khuôn. Chị tận dụng dừa khô của gia đình và mua theo thời giá của thị trường để làm bánh kẹp truyền thống. Nước dừa khô, chị Thảo bỏ sỉ cho khách đặt hàng. Gáo dừa bán cho cơ sở làm than địa phương. Ngoài ra, mẹ ruột chị Thảo đã tận dụng nguồn nước dừa khô thắng nước màu dừa bán. Mỗi ngày, trung bình Lò bánh kẹp Thảo Như sử dụng 15kg cơm dừa khô (tương ứng từ 45 - 60 trái) và tầm 35kg bột (gạo, mì và mì chính) làm bánh kẹp.
“Sau dịch Covid-19, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn nên chị quyết định làm và kinh doanh bánh truyền thống tạo thu nhập cho gia đình. Chị xem hướng dẫn trên mạng để học hỏi kỹ thuật và rút kinh nghiệm làm bánh kẹp qua thời gian theo công thức độc quyền của bản thân thông qua ý kiến khách hàng sử dụng. Lúc đầu, khách hàng đặt làm bánh kẹp với số lượng còn ít thì cũng có lợi nhuận để chăm lo chuyện học hành cho 2 con”, chị Thảo tâm sự.
Hàng ngày, vợ chồng chị Thảo chuẩn bị mọi công đoạn cũng như sản xuất lượng bánh kẹp tại nhà do khách đặt hàng từ 22 giờ đêm đến 2 giờ sáng. Xong, vợ chồng chị thu xếp mọi thứ mang ra chợ Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) làm trực tiếp để bán cho khách hàng. Lò bánh kẹp Thảo Như của chị Thảo chuyên chế biến bánh kẹp với những hương vị: mặn tôm hành, quặng hình hoa, ống vị mè đen truyền thống, vị hành, vị lá dứa và tàn ong. Thời gian đầu thực hiện dự án, chị Thảo làm bánh kẹp theo đơn đặt hàng từ 200 - 300 cái giao cho khách hàng. Trước khi đổ bột vào khuôn tráng bánh kẹp, chị Thảo quét lớp mỏng bơ thực vật tạo hương thơm cho sản phẩm và tránh được trường hợp bột dính khuôn làm hư bánh, thời gian tráng bánh kẹp chừng 30s/cái. Thêm trứng gà vào bột tráng bánh kẹp, tạo hương vị ngọt thơm cho sản phẩm. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, chị Thảo làm từ 30 - 40 bịch bánh kẹp quặng hình hoa, 700 cái bánh kẹp tàn ong và 10kg bánh kẹp ống vị mè đen truyền thống.
Hiện tại, chị Thảo đã trang bị hệ thống máy móc phục vụ làm bánh kẹp: 2 máy nạo dừa, 1 máy ép cơm dừa tự chế, 2 khuôn ép bánh kẹp tàn ong, 5 khuôn làm bánh kẹp mặt trơn bằng điện.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, 54 tuổi - tiểu thương chợ Mỹ Lồng chia sẻ: “Bánh kẹp của Lò bánh kẹp Thảo Như có giá cả phải chăng, bánh ngon và an toàn thực phẩm. Vợ chồng Thảo rất thân thiện với tiểu thương chợ Mỹ Lồng và mọi người xung quanh, thường xuyên hỗ trợ cô bán hàng khi có việc bận”.
Chị Võ Thị Thu Thảo cho biết: Hiện tại, với công việc sản xuất và kinh doanh bánh kẹp truyền thống đã mang lại lợi nhuận khá ổn định cho gia đình. Hướng tới, chị sẽ trang bị thêm máy móc, mở rộng quy mô và thuê thêm nhân công làm bánh kẹp truyền thống. Năm 2024, chị dự định sẽ phối hợp với địa phương cùng ban, ngành, đoàn thể và đơn vị có liên quan các cấp xây dựng thương hiệu bánh kẹp truyền thống Thảo Như đạt chuẩn OCOP.
Bài, ảnh: Lê Đệ