Khởi nghiệp với tranh giấy xoắn

26/06/2017 - 07:29

Chị Trịnh Hồng Thắm và tranh giấy xoắn.

So với tranh gạo, lúa, cà phê thì tranh giấy xoắn có nét độc đáo riêng về hiệu ứng đường nét phối kết với sắc màu sáng tạo. Chị Trịnh Hồng Thắm (công tác tại Sở Công Thương) đã nắm bắt và triển khai mô hình làm tranh giấy xoắn cách nay hơn một năm, có trên 10 lao động tham gia. Thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/tháng/người và nếu biết tranh thủ thời gian nhàn rỗi, mỗi người có thể kiếm thêm 1 - 2 triệu đồng/tháng.

Hoàn cảnh đơn chiếc lại có con nhỏ, chị Nguyễn Thị Thanh An đành tạm nghỉ làm công nhân may cho một công ty để ở nhà chăm sóc con. Được chị Thắm giới thiệu và đào tạo miễn phí, chị An đồng ý ngay và miệt mài học hỏi kinh nghiệm để dần quen với công việc mới. Chị xác định đây là công việc rất nhẹ nhàng, sạch sẽ, có thể làm tại nhà vừa kiếm tiền vừa chăm sóc con nhỏ. Vốn không khéo tay như nhiều chị em khác nhưng nhờ tính chịu khó, cần mẫn, sau 2 tháng, chị An đã thành thạo việc xếp giấy xoắn ghép tranh. 150 - 200 ngàn đồng là số tiền bình quân chị kiếm được mỗi ngày. Sau hơn một năm gắn bó với công việc, chị An quyết định chọn đây làm nghề ổn định lâu dài để nuôi con. 

Trường hợp khác, chị Hoài Thương có 2 con nhỏ và chồng làm công chức tại TP. Bến Tre. Với mong muốn có công việc phù hợp tại nhà, chị cũng đã chọn nghề làm tranh giấy xoắn để học và gắn bó đến nay hơn một năm.

Theo chị Trịnh Hồng Thắm, công việc làm tranh giấy xoắn nhẹ nhàng, tỉ mỉ rất phù hợp với phụ nữ. Để có được những sản phẩm “đẹp lung linh và có hồn”, đòi hỏi người thợ phải chăm chút từng chi tiết nhỏ bằng chính tình cảm, tình yêu công việc mới được. “Tôi chọn công việc này phần nhiều vì mình cũng như những chị em phụ nữ khác vốn thích cái đẹp, mà mỗi bức tranh là một góc ảnh đẹp mang đậm hồn quê, đất và con người Việt Nam” - chị Thắm chia sẻ.

Sản phẩm tranh giấy xoắn hiện được nhiều doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh xuất khẩu. Chị Thắm cho biết tới đây sẽ nhân rộng mô hình, đào tạo nghề cho đối tượng người hạn chế khả năng vận động trong tỉnh, đồng thời liên kết với nhiều doanh nghiệp đầu mối để ổn định nguồn hàng, đầu ra sản phẩm cho người lao động. “Tôi đã nghiên cứu chế ra một loại máy ghép giấy xoắn để thay thế phương pháp thủ công. Hướng tới, sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu máy cắt giấy cải tiến để giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho chị em” - chị Thắm tâm huyết.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - Bí thư Tỉnh Đoàn, thành viên Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp cho biết, tại cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bến Tre” lần thứ I năm 2017, Ban tổ chức đánh giá rất cao về ý tưởng khởi nghiệp với mô hình làm tranh giấy xoắn của tác giả Trịnh Hồng Thắm, cũng như có tính hiệu quả cao khi chuyển giao ý tưởng cho chị em phụ nữ trên địa bàn nhằm tạo việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: C.Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích