|
Học sinh Trường THPT Đoàn Thị Điểm đặt câu hỏi tại buổi truyền thông. |
“Hiểu và bắt đầu nghĩ về khởi nghiệp (KN)” - đó là suy nghĩ chung của học sinh một số trường THPT khi được truyền thông về KN. Mỗi em một hướng đi, một cách phấn đấu riêng nhưng có thể sau chương trình truyền thông “Đồng khởi KN - Khơi nguồn KN tuổi trẻ xứ Dừa”, các em sẽ bắt đầu định hướng cho tương lai với những hướng đi phù hợp hơn.
Em Hải Đăng, lớp 126 Trường THPT Đoàn Thị Điểm, là một
trong số ít học sinh biết phụ gia đình kiếm tiền trang trải chi phí học tập.
Đăng cho biết, ngoài thời gian đi học, chuẩn bị bài lên lớp, em phụ gia đình
bán cá cảnh, thu nhập mỗi ngày trên dưới 100 ngàn đồng. “Trao đổi, mua bán mình
sẽ hiểu thị hiếu người tiêu dùng, tư vấn về cách nuôi, chăm sóc cá… Làm được điều
này mình cũng có thể giữ chân khách hàng. Có kinh nghiệm rồi, sau này không có
việc làm, em có thể mở cửa hàng bán cá cảnh với quy mô lớn hơn hiện nay” - Đăng
nói vui. Vậy là Đăng bắt đầu có ý tưởng cho định hướng tương lai của mình từ
công việc của gia đình. “Em đâu biết đấy là ý tưởng KN. Nhưng qua chương trình
này, em hiểu thế nào là KN. Em sẽ nuôi ý tưởng của mình để sau này nếu có thể
em sẽ thực hiện” - Đăng tự tin chia sẻ sau khi tham gia chương trình truyền
thông KN được tổ chức tại trường.
Còn em Thế Phong, lớp 12A10 Trường THPT Trương Vĩnh Ký
thì chia sẻ, qua các phương tiện truyền thông, cùng mạng xã hội em có biết về Đồng
khởi KN nhưng bắt đầu từ đâu, cách làm như thế nào, hành trang KN là gì Phong
cũng rất muốn biết.
Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi - diễn
giả chương trình, KN là bắt đầu một nghề nghiệp hay một công việc kinh doanh
nào đó. Tổ chức kinh doanh tạo việc làm cho bản thân, mở rộng phát triển lên
thành những công ty, doanh nghiệp, tạo được việc làm cho mình và cho người
khác. Ở góc độ này, KN không chỉ làm giàu cho mình mà còn giúp cho xã hội. Diễn
giả lý giải trong KN có KN mưu sinh và KN sáng tạo. Cụ thể, với các bạn sinh ra
trên mảnh đất cây giống, hoa kiểng Chợ Lách, nếu sau khi học xong, có thể phụ
giúp cha mẹ sản xuất cây giống hoặc các bạn không sản xuất mà chuyển sang mua
bán cây giống hay mua bán thuốc bảo vệ thực vật, đấy là KN mưu sinh. Việc làm
không mới nhưng có thể tạo thu nhập cho mình và cho người khác. Còn KN sáng tạo
là bằng ý tưởng mới cùng với ứng dụng của khoa học công nghệ, tạo ra những sản
phẩm mới, một ngành nghề kinh doanh mới, qua đó, tạo ra công ăn việc làm cho bản
thân, cho nhóm, tập thể.
Đồng khởi KN có 2 phần là KN thoát nghèo và KN làm giàu.
Những gia đình thuộc diện hộ nghèo cố gắng vươn lên bằng đất đai hiện có, bằng
sức lao động của chính mình và những điều kiện hiện có để KN thoát nghèo. Những
hộ khá tận dụng những điều kiện của gia đình phát triển hình thành cơ sở sản xuất,
kinh doanh để tạo công ăn việc làm cho mình và cho người khác đấy là KN làm
giàu. “Vậy với học sinh, Đồng khởi KN là em sẽ cố gắng học thật giỏi để thi đỗ
vào đại học. Tập trung nghiên cứu học tập, có kiến thức chuyên môn vững vàng
sau mấy năm ở giảng đường. Để khi ra trường không có việc làm mình cũng có thể
cùng bạn bè mở một công ty tư vấn hay văn phòng luật sư. Đấy là ý tưởng KN cho
bản thân” - em Hoàng Hân lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Bến Tre nêu ý tưởng
của mình sau khi tham gia chương trình truyền thông KN tại trường.
Như vậy, để có hành trang KN, điều tiên quyết là phải có
ý tưởng, viết ý tưởng thành dự án, chuẩn bị thực hiện dự án. Trong đó, có về
công việc cần làm, tìm hiểu thị trường, có vốn, nhân lực.
Trong 2 ngày 10, 11-2-2017,
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi là diễn giả báo cáo chuyên đề về
“Đồng khởi KN tỉnh Bến Tre - Khơi nguồn KN tuổi trẻ xứ Dừa” tại Trường THPT
Trương Vĩnh Ký (Chợ Lách), THPT Nguyễn Đình Chiểu, THPT Chuyên Bến Tre. Đây
là hoạt động nằm trong chương trình truyền thông “Đồng khởi KN - Khơi nguồn
KN tuổi trẻ xứ Dừa” do Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội tổ chức từ ngày 7 đến 18-2-2017 tại 42 trường
THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. |