|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên họp sáng ngày 28-10-2011. |
Trong phiên thảo luận sáng nay, 28-10, về tình hình kinh tế xã hội 2011, kế hoạch 2012, điểm khác biệt so với hai phiên thảo luận trước là có tới bốn bộ trưởng đã đăng đàn, giải trình thêm nhiều vấn đề với Quốc hội.
Đại biểu Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính cho biết, tính đến 31-12-2010, nợ công của Việt Nam bằng khoảng 57,3% GDP, ước 2011 là 54,6% và 2012 là 58%. Đây là tính trên kịch bản tăng trưởng GDP 6%, còn 6,5% thì tỷ lệ này sẽ thấp hơn đáng kể. Trong cơ cấu vay ODA của chúng ta thì vay thương mại chỉ có 7%, còn lại đều có thời gian cho vay dài, lãi suất rất ưu đãi. WB cho chúng ta vay 40 năm, ân hạn 10 năm với lãi suất có 0,75%/năm; vay ADB thì thời hạn 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất 1%/năm. Nhật Bản cho vay cũng 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất chủ yếu cũng là 1%, một số khoản 2%/năm. Đây là điểm khác biệt so với nợ công ở các nước phát triển mà tỷ lệ vay thương mại rất lớn. Cách tính nợ công của nước ta hiện nay có khác so với nhiều nước và nếu tính theo cách như của họ thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam sẽ thấp xuống. Về cơ cấu nợ, nợ nước ngoài đang giảm, nợ trong nước tăng lên, đó là xu hướng tốt. Tuy nhiên, Chính phủ không chủ quan với vấn đề này.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Bộ Tài chính đã xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến 2020, đang trình CP phê duyệt. Tình hình nợ công đang được cập nhật mỗi 3 tháng, 6 tháng; được Cục Quản lý nợ nước ngoài thuộc Bộ Tài chính theo dõi sát sao. Khoản chi trả nợ hiện mới chiếm 14-6% tổng ngân sách, trong khi theo thông lệ quốc tế, ngưỡng an toàn là không quá 30%.
Tương tự, cách tính bội chi hiện nay cũng có sự khác biệt so với thông lệ: chưa tính trái phiếu Chính phủ, nhưng lại tính cả chi trả nợ gốc. Theo Bộ trưởng Tài chính, nếu tính theo thông lệ thì bội chi của ta năm 2011 chỉ ở 4,1%; trong ngưỡng an toàn.
"Chúng ta không lạc quan, nhưng cũng không nên quá lo lắng", ông Vương Đình Huệ khẳng định.
Đại biểu Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cũng đã phát biểu trước Quốc hội về tình hình cắt giảm đầu tư công. Ông nhận định: các bộ ngành địa phương đã thực hiện nghiêm việc cắt giảm đầu tư công và chia sẻ cái khó của một số địa phương về việc phải dừng khởi công nhiều dự án đã giao kế hoạch từ cuối năm 2010, song đó là việc làm cần thiết đẻ thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Giải trình thêm về cơ chế cắt giảm đầu tư công, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: "Cắt giảm đầu tư công không phải là thu hồi vốn đã bố trí năm 2011của các bộ ngành và địa phương về trung ương và thực tế là chưa cắt một đồng nào đã bố trí. Nhưng sẽ không cho kéo dài việc thực hiện dự án của năm 2010, không cho ứng trước vốn của năm 2012 và không cho phép khởi công mới các công trình để tập trung vốn cho các công trình có thể hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong năm nay. Đến hết tháng 9 đã cắt giảm, điều chuyển 81.500 tỷ đồng và cắt hẳn 10% tín dụng đầu tư, không phát hành nữa. Do làm mạnh việc cắt giảm đầu tư công nên trong năm 2011 đầu tư xã hội chỉ đạt 34% GDP so với 42% của năm 2010 và 2009".
Liên quan đến những đề nghị tăng nguồn lực cán bộ công chức, cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở cũng như cải thiện lương, phụ cấp cho đội ngũ này, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình phát biểu sẽ nghiêm túc xem xét, tiếp thu. Tuy nhiên, vấn đề cần được tính toán tổng thể để đảm bảo cân đối vĩ mô.
"Đội ngũ cán bộ công chức ở trung ương và cấp tỉnh hiện nay đã tăng 13,7% so với đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII, còn đội ngũ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn (kể cả bán chuyên trách, đã có sự vận dụng) khoảng 700.000 người", ông nói. Trước mắt, Bộ Nội vụ sẽ tập trung đề xuất về lương tối thiểu từ đó tiếp tục tính toán thang bảng lương cụ thể cũng như chế độ phụ cấp. Chế độ phụ cấp sẽ tính toán để đưa vào lương mới…
|
|
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng năm 2011, cả nước có thêm khoảng 63,92 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký ước khoảng 397,2 nghìn tỷ đồng.
So với tháng 10-2010, số doanh nghiệp đăng ký mới đã giảm trên 10,6%. Đáng lưu ý hơn, số vốn đăng ký so với cùng kỳ giảm mạnh, chỉ bằng 64,8%.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết thêm, theo thống kê của cơ quan thuế, 9 tháng đầu năm, trong số khoảng 57.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, có tới 47.000 được xác định đã ngừng hoạt động. | |
|
|
Nhóm vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông cũng đã được Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng giải trình thêm với Quốc hội. Nêu khái quát về các nhóm giải pháp cơ bản, lâu dài và trong ngắn hạn, ông Thăng nhấn mạnh: "Tất cả các giải pháp như đổi giờ làm việc hay sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế dần phương tiện cá nhân, đều không phải sáng kiến của Bộ Giao thông Vận tải mà đều đã có, nay chúng ta tiếp tục làm quyết liệt mà thôi. Nhưng giải pháp ấy có thể ảnh hưởng đến một bộ phận người dân, chúng tôi mong được cử tri chia sẻ và cảm thông, để cùng đạt được mục tiêu lớn hơn vì lợi ích của toàn xã hội". Đặc biệt, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị các bộ ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ trong ngành mình, địa phương mình vi phạm luật giao thông.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng tình với kiến nghị của nhiều đại biểu Quốc hội về việc Quốc hội ra nghị quyết chuyên đề về an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về vấn đề này nhằm huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân đồng thuận, ủng hộ…
Tổng kết nội dung thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, kế hoạch năm 2012 và những năm tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 101 đại biểu đăng ký, 68 ý kiến đã phát biểu tại hội trường. Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này. Phó Chủ tịch yêu cầu đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, góp ý trực tiếp vào các dự thảo nghị quyết để cơ quan chức năng hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp.