Đây là hệ quả tất yếu
khi Nga và những nước này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong cuộc chiến
này.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ
ngày 5-10 thông báo, liên tiếp trong 2 ngày cuối tuần qua, các máy bay chiến
đấu của Nga tham gia không kích IS đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó
có một chiếc MIG-29.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia
có quân đội lớn thứ 2 trong NATO, đã phải điều động các máy bay tiêm kích F-16
để ngăn chặn. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triệu Đại sứ Nga tới để phản
đối.
Tại cuộc họp khẩn cấp
tại thủ đô Brussels, Bỉ, cùng ngày, 28 nước thành viên NATO, trong đó có Thổ
Nhĩ Kỳ đã ra thông cáo chỉ trích “những vụ vi phạm không phận” của máy bay Nga
là cực kỳ nguy hiểm và là một hành vi vô trách nhiệm.
Chỉ trước đó vài giờ,
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cảnh báo, nước này có thể đã “hành động
phù hợp” với các quyền của mình trong trường hợp không phận bị vi phạm.
Trước những cáo buộc
này, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua giải thích, máy bay chiến đấu của Nga đã bay vào
không phận của Thổ Nhĩ Kỳ do thời tiết xấu và điều này chỉ diễn ra trong vài
giây.
Bộ Quốc phòng Nga đồng
thời khẳng định, không có bất kỳ chiếc máy bay MIG-29 nào được khai thác tại
căn cứ không quân của Nga tại Syria.
“Nếu nhìn trên bản đồ,
có thể thấy, căn cứ không quân Heymin nằm gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Do
một số điều kiện về khí hậu, các máy bay đã phải tiếp cận sân bay từ phía Bắc.
Vì thế, việc máy bay Nga bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ là do thời tiết không
thuận lợi tại khu vực này, chứ không có bất kỳ lý do nào khác.
Liên quan tới thông
tin của Thổ Nhĩ Kỳ về sự xuất hiện của máy bay chiến đâu MIG-29, tôi có thể
khẳng định, không có bất kỳ chiếc máy bay nào loại này được khai thác tại căn
cứ không quân của Nga tại Syria”, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.
Trên thực tế, Nga và
Thổ Nhĩ Kỳ có lập trường trái ngược nhau về cuộc nội chiến tại Syria, một quốc
gia láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này muốn Tổng thống Syria Bashar al-Assad
phải từ bỏ quyền lực, trong khi Nga nhiều lần nhấn mạnh vai trò không thể thiếu
của ông Assad trong việc chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua, cũng
như trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trong chuyến thăm
Brussels mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thảo luận với
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tus) về việc thiết lập một vùng cấm bay, cũng
như vùng an toàn dọc biên giới với Syria.
Tuy nhiên, Nga đã phản
đối ý tưởng thành lập một khu vực như vậy và cho rằng, điều này là trái với
Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng như luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ John
Kerry ngày 5/10 cảnh báo, việc máy bay Nga vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng
minh của Mỹ trong NATO, đã gây ra nguy cơ dẫn tới một tình huống leo thang
nghiêm trọng. Để tránh các vụ việc tương tự, Mỹ đã có các cuộc thảo luận
với Nga đã chắc chắn không xảy ra khả năng va chạm trên không giữa không quân
hai nước.
“Chúng tôi cực kỳ lo
ngại về tình huống nguy hiểm vừa qua. Bởi nếu Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng theo đúng
quyền của nước này thì có thể sẽ xảy ra một vụ bắn hạ và đây cũng chính là điều
mà chúng tôi đã cảnh báo”, ông Kerry nói.
Hồi đầu tháng 10 này,
Nga và Mỹ đã thảo luận về cách thức tránh các vụ chạm trên không phận Syria,
trong bối cảnh Nga bắt đầu các chiến dịch không kích chống khủng bố tại Syria
bên cạnh các chiến dịch kéo dài hơn 1 năm qua của Mỹ và các nước đồng minh. Hơn
50 máy bay và trực thăng của Nga đã được triển khai tại Syria.
Có thể thấy, vụ va
chạm trên không giữa không quân Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là kết quả tất yếu của sự
khác biệt về lập trường giữa Nga và NATO trong cuộc chiến tại Syria.
Chừng nào Nga và liên
minh do Mỹ đứng đầu chưa thể tìm được tiếng nói chung, mọi cuộc can thiệp sẽ
đều không thể giúp ngăn chặn khủng bố hay chấm dứt nội chiến tại Syria mà sẽ
chỉ càng khoét sâu hơn những mâu thuẫn tại khu vực.
Người phát ngôn Liên
Hợp Quốc Stephane Dujarric ngày 5/10 đã cảnh báo sự hiện diện của cả máy bay
Nga và máy bay thuộc liên minh do Mỹ đứng đầu trên không phận Syria đã tạo ra
một tình huống “đầy nguy hiểm”./.