|
Hình ảnh xơ xác ở khu du lịch biển Thừa Đức. |
Tháng 9-2013, UBND huyện Bình Đại, UBND xã Thừa Đức đã trực tiếp làm việc với Công ty TNHH Du lịch sinh thái biển Phù Sa (Công ty Phù Sa) và đi đến thống nhất, đến cuối năm 2013, công ty không tiếp tục thi công, UBND huyện kiến nghị tỉnh rút giấy phép đầu tư.
Trục giao thông từ tỉnh lộ 883 vào trung tâm xã Thừa Đức (Bình Đại) đã được nhựa hóa và đoạn đường từ UBND xã dẫn ra khu vực quy hoạch du lịch sinh thái biển cũng đang nhựa hóa. Có thể nói, cơ sở hạ tầng giao thông đang từng bước hoàn thiện nhằm góp phần đánh thức tiềm năng du lịch biển nơi đây. Nhưng khi vào, phần diện tích đất đã được Công ty Phù Sa thuê để triển khai dự án đầu tư xây dựng phát triển du lịch, mọi suy nghĩ hoàn toàn ngược lại. Một chiếc kobe nằm trơ trụi ngoài trời, nhiều tháng liền dầm mưa, hứng nắng và gió biển. Một vài căn nhà xuống cấp nằm giữa khu đất đồi trọc. Theo những người làm công cho Công ty Phù Sa, vào khoảng tháng 4-2013 (âm lịch), Công ty tổ chức lễ khởi công, sau đó, mọi thứ đều “im lặng”, cơ sở vật chất hiện hữu đã và đang xuống cấp trầm trọng. Số lượng khách đến tham quan giảm dần. Đặc biệt, khi khu du lịch ở Cồn Bửng, xã Thạnh Hải (Thạnh Phú) đi vào hoạt động nhộn nhịp, du khách đến khu du lịch của Công ty Phù Sa càng thưa thớt hơn. Hiện công ty thuê 4 lao động tại địa phương và 1 kế toán của Công ty trực tiếp đảm nhận kinh doanh, mức lương 2 triệu đồng/người/tháng và bao 1 bữa cơm. Theo công nhân làm thuê, tiền kinh doanh dịch vụ không đủ trả lương.
Phần diện tích đất 6,3ha đất mà Công ty này thuê trước đây thuộc Phân khu đặc dụng rừng phòng hộ 661. Nhiều hộ dân sống lân cận bày tỏ nuối tiếc: Khi bàn giao mặt bằng cho Công ty là 1 thảm rừng cây xanh. Cây dương trồng được 4 năm tuổi phát triển xanh tươi, phát huy tác dụng chắn gió biển. Nhưng khi bàn giao cho Công ty, khoảng 80% cây dương trồng bị đốn bỏ, gần như trở thành thảm đồi trọc. Nhiều căn nhà gỗ do đơn vị thuê đầu tư trước đây cũng bị tháo dỡ. Các hộ dân lo lắng: Công ty Phù Sa chậm triển khai dự án, dẫn đến sóng biển gây sạt lở, hàng cây chắn gió không còn, ảnh hưởng đến các vụ rau màu của họ. Trong lần gặp gỡ đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre mới đây, nhiều cử tri phản ánh: Khu du lịch biển Phù Sa đã khởi công xây dựng khá lâu, rừng dương bị khai phá nhưng hiện công trình không tiếp tục xây dựng và cũng không có hoạt động nào khác. Nếu công trình không tiếp tục thi công thì đề nghị huyện giao lại mặt bằng cho người dân kinh doanh, sản xuất, tránh tình trạng đất bỏ hoang, trong khi người dân không có đất canh tác.
Ông Phạm Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Thừa Đức, cho biết đây là Dự án đầu tư xây dựng công trình khu du lịch sinh thái biển Phù Sa. Quy mô Dự án gồm: Khu trung tâm thờ cúng các anh hùng có công với đất nước, khu nhà hàng, khu vui chơi thiếu nhi, khu bán quà lưu niệm, khu nhà điều hành, khu xử lý nước thải, khu trung chuyển rác, khu lưu trú, khu vực đài cấp nước, khu nhà nghỉ đơn lập, khu khách sạn, khu dịch vụ hồ bơi, khu tắm biển… Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 320 tỷ đồng. Công ty Phù Sa là chủ đầu tư. Khu du lịch sinh thái biển Phù Sa khi hoàn thành và đi vào hoạt động kinh doanh sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển chung của huyện Bình Đại nói riêng và của Bến Tre nói chung. Thế nhưng, từ khi khởi công đến nay (sau hơn 6 tháng) công ty mới chỉ có đốn bỏ rừng dương, để cơ sở hạ tầng đã đầu tư xuống cấp trầm trọng. Nhiều lần, nhân dân địa phương bày tỏ bức xúc.