 |
Đan giỏ xuất khẩu. |
Năm 2010, tổng kinh phí thực hiện khuyến công của tỉnh gần 1,6 tỷ đồng. Trong đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã thực hiện nhiều chương trình, dự án gồm:
Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện 3 dự án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến từ nguồn kinh phí quốc gia; hỗ trợ vốn không lãi từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương cho 4 doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ cho trên 100 doanh nghiệp tham gia 3 kỳ hội chợ, triển lãm tại Bến Tre, Vũng Tàu, Hà Nội; tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, quản lý, điều hành doanh nghiệp và khởi sự doanh nghiệp cho trên 100 học viên; mở chuyên mục Khuyến công trên báo Đồng Khởi; thực hiện các hoạt động truyền thông về sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp như: tổ chức 6 hội thảo, xây dựng 2 phim, 10 bài báo, xây dựng website tuyên truyền về SXSH; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị về thực hiện chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh; xây dựng cẩm nang tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình và cẩm nang tiết kiệm năng lượng trong ngành dừa; tổ chức hội thảo về tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, năm qua, số lượng nhân sự khuyến công còn thiếu, năng lực chưa đồng đều, bộ máy tổ chức hoạt động chưa được sắp xếp để đủ khả năng đáp ứng nhu cầu công việc. Nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh hỗ trợ cho hoạt động khuyến công (chủ yếu là hỗ trợ có thu hồi 100%) chưa đủ mạnh để tạo động lực thúc đẩy công nghiệp phát triển. Trong năm 2010, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tập trung triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đầu tư mạnh một số chương trình, dự án có lợi thế cạnh tranh. Cụ thể như: chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chế biến từ dừa, chế biến trái cây, thủy sản, cơ khí phục vụ nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản, may công nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, thêu rua phục vụ du lịch và xuất khẩu; hỗ trợ hoạt động các làng nghề truyền thống, ngành nghề sản xuất tập trung, phát triển thêm nghề mới trong việc nâng cao trình độ công nghệ, trang thiết bị sản xuất công nghiệp nông thôn; đẩy mạnh truyền thông và SXSH. Trong năm 2011, Trung tâm dự kiến thực hiện 20 dự án, đề tài đầu tư phát triển sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, đào tạo nghề cho 400 lao động; tổ chức bình chọn và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; hỗ trợ 100 lượt doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tổ chức Hội thi sáng tạo hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; tổ chức 4 lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký sở hữu công nghiệp, thực hiện các hoạt động truyền thông về SXSH và tiết kiệm năng lượng… với tổng kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng.
Dự kiến, tổng nguồn kinh phí khuyến công giai đoạn 2010-2020 là 17,81 tỷ đồng, gồm các hoạt động chủ yếu như: hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại trong sản xuất; đào tạo nghề cho 4.500 lao động; thực hiện các hoạt động SXSH, nhằm tiết kiệm năng lượng đến năm 2020; thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ lập qui hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng cụm, điểm công nghiệp; tổ chức các hội chợ triển lãm hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm; thông tin, tuyên truyền về hoạt động khuyến công, tổ chức hội thảo, thực hiện các chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một số giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu trên của Trung tâm là: xây dựng các chương trình phát triển mang tính chiến lược cho từng ngành nghề cụ thể, nhằm tranh thủ nguồn kinh phí từ khuyến công quốc gia; tăng cường tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp.