Sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về sản lượng, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, sản lượng nông nghiệp nước ta có tăng nhưng giá trị gia tăng lại thấp, lợi ích kinh tế của đại đa số nông dân chưa được đảm bảo.
Nông
dân thường xuyên đối mặt với thực trạng “được mùa - mất giá”, “được giá - mất
mùa”, bị tư thương ép giá… Những người nông dân làm ra hàng hóa thì được hưởng
lợi ít, trong khi đó lợi ích của thương lái thu gom và đại lý các cấp ngày càng
tăng. Đây là một nghịch lý đối với nông nghiệp nước ta nói chung, đồng thời phản
ánh những bất cập trong quá trình phân phối giá trị sản phẩm nói riêng của hàng
hóa nông nghiệp nước ta.
Nguyên nhân của tồn tại này có nhiều, song chủ
yếu là do phương thức sản xuất, kinh doanh nông sản của nông dân và doanh nghiệp
đang dừng ở việc “sản xuất theo khả năng”, chưa chú trọng sản xuất “những gì thị
trường cần”. Việc sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được quan tâm đúng mức, chưa
được hình thành đồng bộ… Trong khi đó, sản xuất theo chuỗi giá trị là một trong
những đột phá quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp. Nó cho phép tập
trung các nguồn tài nguyên, nguồn vốn... vào các mặt hàng mà nước ta có lợi thế.
Sản xuất theo chuỗi sẽ sắp xếp tổ chức lại sản xuất theo hướng chia sẻ đều quyền
lợi cũng như rủi ro cho các tác nhân tham gia chuỗi liên kết, từ đó tạo động lực
cho sản xuất, các tác nhân phát huy được hết khả năng của mình. Đồng thời, sản
xuất theo chuỗi cho phép kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn và các tiêu chuẩn
kỹ thuật đối với sản phẩm, hàng hóa, từ đó duy trì được thương hiệu, tăng khả
năng cạnh tranh, đưa hàng hóa vào thị trường.
Trong thời gian tới, nước ta sẽ chính thức
tham gia Hiệp định TPP nên đối với hàng nông sản Việt Nam, bên cạnh một số lợi
ích cũng không ít những thách thức, khó khăn. Để tiếp tục tuyên truyền, vận động,
khuyến khích nông dân tham gia vào các chuỗi giá trị nông nghiệp, tăng giá trị
sản xuất, cải thiện thu nhập, Hội Nông dân Việt Nam đề xuất một số giải pháp,
kiến nghị sau:
Một là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác
tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động
nông dân tích cực tham gia củng cố và xây dựng các mô hình liên kết, mô hình
kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Tuyên truyền sâu rộng các nội dung mà nước
ta đã ký kết Hiệp định TPP với 12 nước nhằm thay đổi nhận thức của người nông
dân trong sản xuất nông sản hàng hóa.
Hai là tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao
trình độ, kinh nghiệm và năng lực sản xuất, kinh doanh cho nông dân. Cần tập
trung nâng cao tri thức khoa học, khả năng tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật,
công nghệ vào sản xuất; có tư duy kinh tế thị trường, có kinh nghiệm và sáng tạo
trong sản xuất, kinh doanh, biết tạo ra và tham gia có trách nhiệm vào chuỗi
giá trị hàng hóa nông sản.
Ba là đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học
công nghệ tiên tiến, đổi mới cách thức tổ chức trong sản xuất. Chủ động ứng dụng
khoa học và công nghệ tiên tiến hiện đại, đổi mới phương thức sản xuất để nâng
cao hiệu quả nông nghiệp, hiệu suất đất đai, tăng sức cạnh tranh hàng hóa nông
sản trên thị trường, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.
Thứ tư là xây dựng các mô hình liên kết bền vững
giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, bảo đảm thu nhập cao, ổn định cho nông
dân. Cần xác định, trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, nông dân là một chủ
thể, một mắt xích quan trọng, tham gia vào cả các liên kết dọc và liên kết
ngang.
Liên kết dọc là liên kết giữa các tác nhân
trong chuỗi: bao gồm các nhà cung cấp vật tư đầu vào, nông dân, người thu gom,
nhà sơ chế và người bán sỉ, người bán lẻ (nông dân và doanh nghiệp). Để đảm bảo
liên kết này chặt chẽ và bền vững, nông dân bắt tay cùng doanh nghiệp, hỗ trợ
nhau, thực hiện nghiêm túc, triệt để các cam kết bằng hợp đồng kinh tế, tiến tới
nông dân chỉ sản xuất theo hợp đồng đã được ký kết.
Liên kết ngang là sự kết hợp giữa những hộ
nông dân với nhau, hình thành các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã. Tham gia
liên kết này sẽ đáp ứng tốt yêu cầu về quy mô sản xuất, giảm chi phí sản xuất
và giao dịch, tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nguồn lực sản xuất và thị
trường mới; tăng vị thế đàm phán và khả năng cạnh tranh.
Để bảo đảm tốt hơn lợi ích của nông dân trong chuỗi giá trị
hàng hóa nông sản, Nhà nước cần bảo đảm công bằng lợi ích thông qua việc tiếp
tục hoàn thiện và hiện thực hóa các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nông
nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị hàng
hóa nông sản ngày càng bền vững, mang lại thu nhập cao và ổn định cho nông
dân.
|