Hội thảo Giải pháp quản lý sâu hại mới trên dừa vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức với sự tham gia của gần 100 nông dân, cán bộ khoa học kỹ thuật trong tỉnh cùng sự hiện diện của TS. Hồ Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, bà Nguyễn Thị Thu Cúc - Trường Đại học Cần Thơ.
Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa khá lớn, hiệu quả của nó đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế, đời sống người dân địa phương. Thời gian qua, mặc dù từng lúc giá dừa thăng trầm nhưng người dân Bến Tre vẫn gắn bó với cây dừa. Và, điều băn khoăn gần đây đối với nhà vườn là nhiều loại sâu bệnh phát sinh gây hại cây dừa. Ngoài bọ cánh cứng, bọ vòi voi, lại xuất hiện thêm sâu đục trái, nhện, sâu nái… Với thực tế đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo với mong muốn nhà nông, cán bộ kỹ thuật, nhà khoa học sớm tìm ra giải pháp tốt nhất để hạn chế sâu bệnh, bảo vệ tốt hơn vườn dừa Bến Tre.
Trao đổi về thực trạng dừa Bến Tre và sâu hại trong thời gian qua, ông Huỳnh Thanh Hùng - Giám đốc Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 55.000ha dừa, sản lượng hàng năm trên 420 triệu trái. Tuy nhiên, nhiều vườn dừa đang bị sâu hại tấn công, làm rụng trái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất vườn dừa. Qua khảo sát của Chi cục, hiện nay có đến 5.027ha dừa bị nhiễm bọ vòi voi (chiếm 9%), 978ha bị sâu đục trái (chiếm 1,75%), 931ha bị nhện bám (chiếm 1,67%) và khả năng sâu hại này còn tiếp tục phát triển. Diện tích bị nhiễm nhiều nhất tập trung ở Bình Đại, Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú. Theo ông Hùng, vì đây là sâu bệnh mới nên cơ quan chuyên môn đang nghiên cứu, theo dõi để có biện pháp phòng trị. Giải pháp sử dụng thuốc hóa học trên cây dừa chưa phải là khả thi vì không thể diệt được sâu hại mà còn rất dễ gây ô nhiễm môi trường. Cho nên, cần nghiên cứu theo hướng không sử dụng hóa chất. Thời gian qua, ngay sau khi phát hiện các loài sâu mới gây hại dừa, đơn vị đã gửi mẫu đến các cơ quan Trung ương chuyên ngành nhờ giám định; tiến hành điều tra diện tích vườn dừa bị nhiễm bọ vòi voi, sâu đục trái và nhện trên nhiều vườn dừa. Thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật đối với nhện trên bông dừa, kết quả cho thấy loài nhện này rất mẫn cảm với thuốc hóa học. Thực hiện 3 mô hình sử dụng chế phẩm nấm xanh phòng trừ bọ vòi voi ở Mỏ Cày Nam, Châu Thành. Chế phẩm Metarhizium anisopliae sử dụng là loại nấm được sản xuất từ Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre với liều lượng dùng 0,5kg pha với 60 lít nước. Trung bình phun mỗi cây dừa 4 lít nước, thời gian thực hiện từ tháng 6-2013. Qua theo dõi thấy có kết quả, tỷ lệ trái bị hại có giảm so với khi chưa xử lý sâu hại. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật còn nuôi và theo dõi vòng đời của bọ vòi voi, sâu đục trái dừa, nhận dạng từng giai đoạn phát triển để biết sớm khi chúng xuất hiện trong vườn dừa. Tuy nhiên, cả hai đối tượng bọ vòi voi và sâu đục trái có thể gây hại cùng lúc trên trái dừa nên thiệt hại khá nặng. Cây dừa cao khó phát hiện sớm sự xuất hiện của sâu. Thêm vào đó, giá dừa thấp, nông dân ít quan tâm phòng trừ, trái nhiễm sâu không được tiêu hủy, nên lây lan nhanh. Giải pháp phun thuốc hóa học là không khả thi vì khó phun, ảnh hưởng đến sức khỏe người phun, nguồn nước bị ô nhiễm, động vật thủy sinh và làm giảm mật số ong ký sinh bọ cánh cứng hại dừa.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Cúc, sâu nái, sâu đục bông và trái dừa, bọ vòi voi… là những loài sâu bệnh mới. Ngoài sử dụng các biện pháp tổng hợp, hóa học, thì biện pháp sinh học (thiên địch) là một trong những giải pháp hiệu quả vừa bảo vệ được cây trồng và môi trường.
Theo TS. Hồ Văn Chiến, bọ vòi voi rất khó phòng trị. Cho nên, cần theo dõi diễn biến, điều tra khoanh vùng diện tích bị nhiễm để có biện pháp quản lý kịp thời. Cần vệ sinh vườn dừa, tiêu hủy trái bị nhiễm, kiểm dịch chặt chẽ, xông hơi khử trùng dừa giống trước khi xuất bán. Về lâu dài, cần có nghiên cứu về đặc tính sinh vật học, sinh thái học và thiên địch của chúng, đề xuất qui trình phòng trừ, đặc biệt là áp dụng phòng trừ bằng biện pháp sinh học là hiệu quả và an toàn nhất.